Ở châu Á, đeo khẩu trang là trách nhiệm bảo vệ mình và phòng lây nhiễm cho người khác, nhưng với người châu Âu đó là biểu tượng của bệnh tật.
Một sinh viên Trung Quốc ở đại học Sheffield (Anh) đã bị quấy rối bằng lời nói và thân thể vào tháng Một vừa qua vì đeo khẩu trang. Một phụ nữ Trung Quốc đã bị hành hung và gọi là “ôn dịch” ở Mỹ hồi tháng 2 cũng vì đeo khẩu trang.
Ở các nước châu Á, ký ức về dịch SARS 17 năm trước vẫn còn ám ảnh và việc đeo khẩu trang trở thành thói quen. Nhiều người coi đây là trách nhiệm để giảm lây truyền Covid-19, căn bệnh đã khiến khoảng 120.000 nhiễm ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp không cho phép khách vào cửa hàng mà không đeo khẩu trang. Chính quyền tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải ra yêu cầu công dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
Nhưng ở nhiều nước phương Tây, khẩu trang có thể gây phân biệt chủng tộc và bêu xấu người châu Á. Maria Sin Shun-ying, Đai học Hong Kong viết năm 2014 về mối liên quan giữa SARS và khẩu trang “đến một mức độ mà chính chiếc khẩu trang trở thành nhận dạng người bệnh và được hiểu trên các phương tiện truyền thông phương Tây như là một hiện tượng châu Á rõ rệt”.
Theo Harris Ali, nhà xã hội học ở Đại học York (Canada) thì tại Bắc Mỹ khẩu trang vẫn là mối liên hệ với người châu Á và “bị xem nằm ngoài chuẩn mực”, do đó nó không được chấp nhận.
Người Hong Kong đã hình thành văn hoá đeo khẩu trang từ sau đại dịch SARS năm 2003. Ảnh: SCMP. |
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những người khỏe mạnh không cần phải đeo khẩu trang. Hồi đầu tháng 3, bác sĩ phẫu thuật Mỹ Jerome Adams, phát ngôn viên chính phủ về sức khỏe cộng đồng, kêu gọi người Mỹ ngừng mua khẩu trang, vì gây khan hiếm trang bị cho nhân viên y tế, tạo gánh nặng cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
“Khẩu trang không có tác dụng trong việc ngăn chặn virus corona, nhưng nếu những nhân viên y tế không có chúng để làm việc sẽ khiến họ và cộng đồng gặp nguy hiểm”, Jerome Adams viết.
Các chuyên gia y tế có nhiều quan điểm trái chiều về hiệu quả của khẩu trang trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Một số ý kiến khuyên rửa tay là quan trọng hơn, trong khi nhiều chuyên gia nói khẩu trang có thể giúp ngăn chặn lây truyền từ những người không có triệu chứng. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng bối cảnh văn hóa đóng vai trò chính trong việc mọi người có sẵn sàng đeo hay không.
Khẩu trang phổ biến ở Đông Á, không chỉ đối với sự phát tán virus mà còn để ngăn chặn ô nhiễm không khí và thậm chí chống lại thời tiết lạnh. Nhật Bản là quốc gia điển hình đeo khẩu trang từ những năm 1918, thời điểm dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành dữ dội nhất. Việc đeo đã trở thành nghi thức tự bảo vệ và trách nhiệm tập thể, gắn kết xã hội.
“Vào những năm 1970 -1980, mọi người bắt đầu sử dụng để ngừa bệnh sốt mùa hè”, Mitsutoshi Horii, giáo sư tại Đại học Shumei, người đã nghiên cứu về lịch sử đeo khẩu trang ở Nhật Bản, cho biết. Gần đây, lo ngại về không khí ô nhiễm từ Trung Quốc nên mọi người bắt đầu đeo nhiều hơn nữa.
Người Nhật cũng đeo khẩu trang để che khuyết điểm trên mặt, giữ ấm trong mùa đông và bớt nhút nhát. “Người Nhật đeo như một cách tự nhiên để thấy an toàn hơn. Nhưng ở phương Tây, bởi vì sự tự do và tự tin thể hiện khuôn mặt nên mọi người có suy nghĩ tiêu cực về khẩu trang”, vị giáo sư nói.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang khi đi mua sắm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Nhà xã hội học Harris Ali nói thêm rằng, thời dịch SARS, khẩu trang ở Hong Kong là biểu tượng cho sự đoàn kết chống lại bệnh và thậm chí biểu thị sự mất lòng tin vào chính phủ.
Kể từ đó, khẩu trang bảo vệ ngày càng phổ biến hơn qua bộ sưu tập của các nhà thiết kế thời trang và một nhóm nhạc nam Hàn Quốc. Nhưng đến nay, khẩu trang đã dần quen thuộc hơn với người phương Tây. Nhiều ngôi sao phương Tây thậm chí còn selfie với khẩu trang. Nhà thiết kế người Croatia đã cho ra bộ sưu tập khẩu trang vui vẻ cho người Hồi Giáo. Nhiều đôi uyên ương đã đeo tham gia đám cưới tập thể…
Và theo Harris Ali, ở thời điểm lo ngại về dịch bệnh có thể khiến mọi người bớt kỳ thị “văn hóa đeo khẩu trang” nhưng trong bối cảnh rộng lớn hơn thì rất khó để thay đổi quan niệm này trong văn hóa phương Tây.
Bảo Nhiên (Theo SCMP)
Theo – Vnexpress.net