(THTG) Ngày 27-5, UBND huyện Gò Công Tây phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Tiền Giang và lãnh đạo các huyện Gò Công Đông, Thị xã Gò Công, Tân Phú Đông và lãnh đạo các sở ngành như: Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Trung tâm giống… tổ chức hội nghị bàn về công tác xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Gạo Gò Công”.
Quang cảnh hội nghị xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Gạo Gò Công”. Ảnh: Kim Lan
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về định hướng phát triển của thương hiệu hạt gạo Gò Công. Theo đó, để nâng cao giá trị hạt gạo và quảng bá cho mọi người biết về giá trị, đặc trưng của hạt gạo Gò Công, việc xin cấp phép để xây dựng nhãn hiệu tập thể là việc làm cần thiết và quan trọng. Trên địa bàn các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Thị xã Gò Công và Tân Phú Đông có điều kiện địa hình thổ nhưỡng phù hợp với sản xuất gạo VD20, Nàng Hoa 9… chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng lúa. Giống lúa VD20, Nàng Hoa 9 thích nghi được với vùng phèn nhẹ, chịu được hạn mặn, cho năng suất cao và bán ra thị trường có giá hơn các giống lúa khác. Lợi nhuận bình quân ước tính khoảng 55 triệu/ha/năm. Đặc biệt giống lúa VD20, Nàng Hoa 9 trồng trên vùng đất các huyện phía Đông của tỉnh, trong đó tiêu biểu là tại huyện Gò Công Tây sẽ cho ra hạt gạo thơm ngon, bùi dẻo.
Cánh đồng lúa tại huyện Gò Công Tây.
Đại diện lãnh đạo các địa phương đã bàn bạc thống nhất giao cho đơn vị UBND huyện Gò Công Tây đứng ra làm chủ sở hữu thương hiệu “Gạo Gò Công”, với giống lúa VD20 là giống chủ yếu. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đưa vào danh mục “Gạo Gò Công” thêm các giống chất lượng, giá trị cao khác như Nàng Hoa 9, hoặc OM 5451, tương lai có thể chọn lựa thêm các giống ST24, ST25… hiện đang được trồng thử nghiệm…
Hội nghị cũng thống nhất việc UBND huyện Gò Công Tây chịu trách nhiệm hoàn tất hồ sơ thủ tục với Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học công nghệ Tiền Giang để xin cấp phép cho ra đời thương hiệu “Gạo Gò Công”, thống nhất phạm vi địa lý sở hữu thương hiệu “Gạo Gò Công” gồm 4 huyện: Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông và Tân Phú Đông.
Kim Lan