Chuồng trại được xây dựng khép kín, an toàn, heo được nuôi trong môi trường mát mẻ, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 20 – 27 độ C đã giúp gia đình anh Vũ Quang Thành (Thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) thành công khi đi “ngược dòng” giữa tâm dịch tả lợn châu Phi.
Những tháng cuối năm 2019, vào thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, người dân xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà) không khỏi bất ngờ khi anh Vũ Quang Thành (Thôn 3) lại bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi heo. “Đến cả khi mình đi mua vật liệu xây dựng, thuê thợ về làm mà người ta vẫn không tin. Nhiều người bảo chỉ có điên mới đi nuôi lợn ở thời điểm này”, anh Thành kể.
Theo nghiên cứu của anh Thành, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống bởi công tác vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh chưa được chú trọng đúng mức. Xác định đây là một trong những bước đi mạo hiểm nên anh Thành đã có thời gian dài đắn đo, tham khảo. “Trăn trở mãi rồi quyết định làm chăn nuôi. Lứa đầu tiên, kinh nghiệm không có, vừa làm vừa lo, nhiều lúc lo lắng, stress đến mất ngủ. Cũng may thời buổi công nghệ hiện đại, không biết thì hỏi, thì học, trên mạng cũng có những kiến thức hữu ích. Khó khăn thì nhiều không kể nổi, phải nuôi được một con heo thành công mới chứng tỏ đây là công nghệ phù hợp”, anh Thành chia sẻ.
Sau khi được người quen tư vấn, anh Thành quyết định thế chấp ngân hàng, vay 1 tỉ đồng, trong đó trích 800 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo mô hình chuồng lạnh Đan Mạch. Chuồng lạnh được xây dựng khép kín trên diện tích 500 m2 cùng hệ thống nhà kho, ao xử lý nước thải, hầm bioga… Tường cao kín, xung quanh lắp đặt nhiều cửa kính, hệ thống đèn điện. Nhiệt độ luôn được duy trì ở mức 20-27 độ nhờ hệ thống điều khiển tự động. Chính vì thế khi bước chân vào chuồng, không hề có tiếng heo kêu inh ỏi, không có mùi hôi phảng phất khó chịu mặc dù ở thời điểm cuối mùa khô, nhiệt độ ngoài trời hơn 30 độ C.
350 con heo đầu tiên được anh lựa chọn kỹ càng, đảm bảo tiêu chuẩn và đưa nuôi vào tháng 11/2019. Sau 4 tháng hồi hộp chờ đợi, heo xuất chuồng, tính đi tính lại sau khi trừ chi phí, anh Thành thu lãi 1,2 tỉ đồng. Thành công vượt ngoài sức mong đợi. Anh Thành nói: “Đến khi thành công mới dám nhận là “liều ăn nhiều” chứ trong lúc làm chẳng nghĩ được nhiều đến thế”.
Theo anh Thành, quan trọng nhất vẫn là giữ cho môi trường sạch khuẩn, vô trùng để mầm bệnh không có khả năng phát triển. Tất cả mọi vật dụng, thức ăn trước khi đưa vào chuồng đều trải qua 2 bước xử lý, khử trùng. Đồng thời anh cũng hạn chế người ngoài tiếp xúc trực tiếp với đàn heo. Chính bản thân anh mỗi ngày khi vào chuồng đều phải xịt cồn, khử khuẩn toàn thân. Cũng nhờ hệ thống máy móc hỗ trợ nên chẳng cần phải thuê công lao động, một mình anh có thể làm tất cả mọi công đoạn từ chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, cho ăn…
Bên cạnh đó, khâu xử lý khí thải, nước thải cũng được anh quan tâm chú trọng. Phần chất thải, nước thải đưa ra được đưa thẳng xuống hầm bioga để tránh gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng mùi hôi tới các khu vực lân cận.
Anh Đinh Văn Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm cho biết, hiện nay trên địa bàn ngoài 10.000 con heo do các hộ liên kết với Công ty CP thì gia đình anh Vũ Quang Thành là người duy nhất còn nuôi heo. Ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các hộ dân nuôi ở quy mô nhỏ, lẻ đã thiệt hại toàn bộ, tái đàn khó khăn. Anh Thành cũng là người đầu tiên đưa công nghệ vào chăn nuôi, khác với kiểu truyền thống của bà con. Đây là lựa chọn táo bạo, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.