Với nhiều người trẻ, mua được cặp vé máy bay thôi cũng đã tiêu gần hết số tiền tích lũy trong năm qua.
Nguyễn Duy (25 tuổi), đang làm marketing toàn thời gian, ngoài ra, Duy còn có nghề tay trái là thợ chụp ảnh. Với thu nhập hàng tháng hơn 20 triệu đồng, Duy vẫn cảm thấy việc chi trả tiền vé máy bay về quê ăn Tết rất khó khăn: “Mình đã chi khoảng 7,5 triệu đồng để mua vé máy bay về quê ăn Tết. Đi làm cả năm chắc dành tiền về quê 1 lần là hết. Cứ đến cuối năm lại thấy những người bạn ở Hà Nội đỡ chật vật hơn bao nhiêu!”. Duy bay từ TPHCM về Miền Trung, tốn 7,5 triệu đồng cho giá vé cho 2 chiều.
Cũng gặp tình trạng giá vé máy bay tăng cao, nằm ngoài khả năng chi trả của bản thân, Lê Hằng (29 tuổi) đang làm nhân viên kinh doanh tại Hà Nội cho biết, tính riêng tiền vé máy bay gia đình cô chi trả cho năm nay lên tới 30 triệu đồng: “Gia đình mình có 4 người, tiền vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội về Buôn Ma Thuột tiêu tốn phần lớn lương và thưởng Tết của 2 vợ chồng”.
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, mức lương trung bình hàng tháng cũng hơn 25 triệu đồng, nhưng Hằng vẫn cho biết, nếu không có sự trợ giúp của chồng thì không thể mua nổi vé máy bay về quê ăn Tết.
Tiền mua vé máy bay dịp Tết là nỗi ám ảnh của nhiều người
Chỉ những người xa quê làm ăn mới hiểu được sự khó khăn của việc mua vé máy bay ngày Tết.
Duy cho biết, tình hình tài chính cuối năm rất ảm đạm: “Năm nay, mình không có thưởng Tết, lương còn bị giữ lại 50%, vì công ty bị ảnh hưởng nặng nề do kinh tế khó khăn. Nghe được tin này mình cũng rất buồn và thất vọng, thế là năm nay không có tiền tiêu Tết. Riêng tiền vé máy bay cũng đã tiêu tốn 1 khoản lớn rồi. Dù vậy, mình vẫn lựa chọn về quê ăn Tết vì muốn nghỉ ngơi và gần gia đình. Một năm cũng chỉ về 1-2 lần, nên dù khó khăn trong việc chi trả tiền vé mình cũng cố gắng”.
Tiền vé máy bay tiêu tốn khoản tiền không nhỏ của nhiều người (Ảnh minh họa Google)
Còn đối với gia đình của Lê Hằng, nếu dịp Tết mà không về, thì ba mẹ cô phải ăn Tết một mình. Ba mẹ Hằng chỉ có 2 người con gái, mà cả 2 đều lựa chọn Hà Nội để sinh sống và làm việc. Vậy nên, dịp cuối năm dù có khó khăn cỡ nào, Hằng cũng thu xếp bay về quê để đón Tết cùng ba mẹ.
“Năm nào mình cũng than thở tiền vé máy bay đắt với ba mẹ, nhưng rồi cuối cùng cũng vẫn về. Dù phải bỏ ra 1 số tiền lớn như thế, nhưng mình hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười của ba mẹ. Vài năm gần đây, khi có chồng phụ giúp thêm tiền vé máy bay thì mình cũng đỡ được 1 khoản. Còn khoảng thời gian khi chưa có gia đình, tiền vé máy bay cuối năm có thể gọi là ám ảnh của mình. Cứ sợ Tết, vì có những khi phải vay tiền để mua vé về quê. Năm nay, tiền vé máy bay tăng liên tục cũng khiến gia đình mình sốt ruột. Mới hôm qua xem vé cho 4 người giá chỉ giao động trong khoảng 26, 27 triệu, mà sang ngày mới giá vé đã tăng lên hơn 30 triệu. Gấp quá nên mình phải hối chồng đặt luôn, chỉ sợ giá còn tăng nữa”.
Với nhiều người xa quê, tiền mua vé máy bay để về quê ăn Tết luôn là nỗi lo lớn.
Cân đối ngân sách để giảm bớt áp lực chi tiêu ngày Tết
Lê Hằng cho biết, để mua được vé máy bay về quê ăn Tết cũng tiêu tốn gần hết tiền lương thưởng cuối năm của 2 vợ chồng: “Vì đã có gia đình, nên những khoản chi tiêu cho Tết rất nhiều. Không chỉ riêng tiền vé máy bay, vợ chồng mình còn phải biếu Tết 2 bên gia đình, sắm sửa quà Tết và ghé thăm họ hàng, mua đồ Tết cho con, tiền lì xì, chúc Tết,… Nhưng trong đó, khoản tiền mua vé máy bay là lớn nhất. Vậy nên, vợ chồng mình phải tính toán rất kỹ mới không phải vay nợ để tiêu Tết.
Vợ chồng mình thống nhất tiền biếu Tết nội ngoại phải bằng nhau, và khoản này không được tiết kiệm. Việc biếu Tết bố mẹ một phần là đỡ đần, một phần cũng muốn ba mẹ vui. Còn những chi tiêu khác như mua sắm, tiền quà cáp,… tụi mình cắt xén mỗi thứ 1 ít để nằm trong khả năng chi trả. Ăn 1 cái Tết nhiều khi là hết luôn tiền tích lũy cả năm. Vợ chồng mình cũng không đầu tư kinh doanh gì, mà chỉ là dân văn phòng làm công ăn lương. Dù thu nhập có cao hơn mức trung bình một chút, nhưng nếu không tính toán chi tiêu trong ngày Tết thật kỹ, có khi ra Tết còn ôm thêm nợ!”.
Cần cân đối ngân sách để chi tiêu cho dịp Tết (Ảnh minh họa Pinterest)
Với Duy, tiền tích lũy năm nay cũng chỉ đủ để mua vé về quê. Những khoản chi tiêu khác trong Tết, Duy dự định hạn chế nhất có thể. “Với mức lương hơn 20 triệu/tháng, sinh sống ở TPHCM rất khó có dư. Không chỉ tiền thuê nhà, tiền ăn uống, chi trả cho các nhu cầu cá nhân,… mình còn phụ giúp thêm gia đình ở quê. Số còn dư mình đều để lại trong tài khoản tiết kiệm, phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như năm nay, trường hợp khẩn cấp là mua vé về quê ăn Tết. Mình được biết tin năm nay vài người bạn xa quê để làm ăn không về quê ăn Tết, tất cả cũng vì tiền bạc cuối năm không dư dả.
Số tiền tích lũy năm nay cũng không quá nhiều, nhưng nó giúp mình mua được vé máy bay, và biếu Tết bố mẹ được chút ít. Mình cũng hạn chế những khoản tiền chi tiêu cho mua sắm, hay gặp gỡ bạn bè. Cũng may là mình làm cùng lúc 2 công việc, chứ không Tết cũng sẽ rất khó khăn. Trong năm, mình luôn cố gắng chi tiêu tiết kiệm, không tiêu xài cho những thứ không cần thiết, và chăm chỉ làm việc để nuôi được bản thân, vừa phụ giúp ba mẹ, vừa có chút tiền tiết kiệm. Đây cũng là một năm giúp mình trưởng thành hơn về tài chính, và nhận ra sự quan trọng của việc chi tiêu có kế hoạch”.