Các nhà phân tích tình báo Mỹ cho rằng cuộc diễu hành quân sự gần đây của Triều Tiên “có khả năng thổi phồng” đe dọa về khả năng tấn công bằng tên lửa xuyên lục địa.
Reuters đã phân tích hơn 50 tài liệu bị lộ này, dưới cái tên “tài liệu mật” và “tài liệu tuyệt mật”. Những tài liệu này bắt đầu được lan truyền trên các trang mạng xã hội vào tháng 3 vừa rồi, được cho là tiết lộ nhiều chi tiết về khả năng quân sự của một số các quốc gia đồng minh và đối thủ của Mỹ. Reuters chưa độc lập xác minh tính xác thực của số hồ sơ này.
Mặc dù chưa khẳng định tính xác thực của số hồ sơ bị rò rỉ, Lầu Năm Góc vào thứ Hai vừa rồi đã cho biết, trong nội bộ “đã có hành vi tiết lộ trái phép tài liệu mật”. Lầu Năm Góc cho biết, những ảnh chụp được lan truyền trên mạng bao gồm các tài liệu có định dạng tương tự với loại tài liệu được sử dụng để cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày cho các lãnh đạo cấp cao, mặc dù nội dung một số tài liệu trong đó có vẻ đã bị sửa đổi.
Một đoạn nhận xét ngắn trong tài liệu rò rỉ được đánh dấu “tài liệu mật” đã được Reuters phân tích có nội dung, Triều Tiên đã diễu hành một số lượng bệ phóng tên lửa xuyên lục địa chưa từng thấy trong sự kiện vào ngày 8/2 vừa rồi, mặc dù những bệ phóng này “rất có thể không có khả năng hoạt động”.
Lầu Năm Góc và đại diện của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc không trả lời các yêu cầu bình luận về tài liệu rò rỉ có nội dung liên quan tới Triều Tiên.
Tài liệu này cũng nhận xét rằng mục tiêu của Triều Tiên là “thể hiện khả năng đe dọa hạt nhân cao đối với Mỹ”.
Theo tài liệu này, “Triều Tiên diễu hành những hệ thống tên lửa không có khả năng hoạt động đó nhằm phô trương một lực lượng tên lửa lớn và mạnh mẽ hơn thực tế nhằm giảm thiểu rủi ro hư hại các tên lửa thật”.
Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo của mình, đã bắn thử hàng loạt tên lửa tân tiến của quốc gia này trong năm 2022 mặc cho các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và lệnh trừng phạt từ Mỹ. Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa trong năm 2023.
Tài liệu rò rỉ cũng tiết lộ, trong năm 2024, “Triều Tiên có lẽ vẫn không có khả năng trang bị tên lửa có khả năng tấn công toàn lãnh thổ Mỹ cho toàn bộ những xe tự hành phóng tên lửa xuyên lục địa mà họ đã diễu hành, vì những thử thách gặp phải trong các cuộc bắn thử cũng như giới hạn về tài nguyên”.
Ảnh chụp được đăng tải bởi các trang tin quốc gia Triều Tiên về sự kiện ngày 8/2 vừa rồi đã phô trương số lượng tên lửa xuyên lục địa (ICBM) nhiều hơn bất kỳ số lượng nào Pyongyang từng cho thấy trước đây, cùng với một số tín hiệu về những hệ thống vũ khí sử dụng nhiên liệu rắn.
Những tấm ảnh này cho thấy 11 tên lửa Hwasong-17, loại tên lửa xuyên lục địa lớn nhất của Triều Tiên, được cho là có khả năng tấn công hạt nhân bất cứ địa điểm nào trên toàn thế giới.
Tên lửa Hwasong-17 bắt đầu được thử vào năm 2022. Trong cuộc diễu hành, bên cạnh những tên lửa này, các nhà phân tích cho biết còn có các bệ phóng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Triều Tiên trước đây đôi khi đã sử dụng các mô hình trong cuộc diễu hành.
Triều Tiên từ lâu đã có mục tiêu phát triển tên lửa xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn, vì những vũ khí này khó bị phát hiện và phá hủy trong các cuộc xung đột.