Trang chủTin tứcChâu Âu 'mất bò mới lo làm chuồng'

Châu Âu 'mất bò mới lo làm chuồng'

Trước mối đe dọa từ một dịch bệnh không phân biệt quốc gia, các nước châu Âu vốn mang giấc mơ không biên giới đang dựng “vách ngăn” khắp nơi.

Sự trống trải và heo hút đang phủ bóng lên châu Âu hào nhoáng, khi những quảng trường và sân vận động lớn vắng tanh. Các bảo tàng, nhà hàng và quán bar sang trọng cũng đóng cửa. Nỗi bất an, sợ hãi và chia rẽ ngày càng gia tăng trong cộng đồng.

Sau khi chứng kiến Covid-19 hoành hành tại Trung Quốc trong sự thờ ơ, châu Âu dường như đang hoảng sợ vì tình hình tại Italy. Nhiều quốc gia đột nhiên áp lệnh hạn chế đi lại, như Tây Ban Nha phong tỏa toàn quốc, Czech yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, hay Đức kiểm soát biên giới với các nước láng giềng. Tình trạng này khiến ý tưởng về một châu Âu đoàn kết và không biên giới trở nên xa vời.

“Nghịch lý của một chủng virus xuyên biên giới là các giải pháp đòi hỏi phải có sự ngăn cách, không chỉ giữa các quốc gia, mà còn cả bên trong lãnh thổ”, Nathalie Tocci, cố vấn của Liên minh châu Âu (EU), cho hay. Cùng với việc Italy đang phong tỏa toàn quốc và nhiều nước kiểm soát nhập cảnh, hơn 100 triệu dân châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi loạt lệnh hạn chế đi lại.

Người dân đứng bên Quảng trường St. Peter, Vatican hôm 15/3 trong lúc Italy đang phong tỏa toàn quốc. Ảnh: Reuters.

“Vấn đề giờ đây không chỉ là biên giới giữa các nước mà còn là giữa các cá nhân”, Ivan Krastev, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược Tự do ở Sofia, Bulgaria, nhận xét. “Mọi người xung quanh đều có khả năng là mầm bệnh. Họ có thể không biết mình đang gây nguy hiểm cho người khác. Người duy nhất không ẩn chứa mối đe dọa là người ở nhà”.

Cuộc sống của người dân châu Âu, nơi vẫn tự hào về sức mạnh của khoa học công nghệ, cũng như thể chế và nền dân chủ, bỗng đảo lộn. Những nụ hôn chào hỏi và cái ôm khi động viên hoặc an ủi trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng. Mọi người phải dè chừng cả hàng xóm hoặc chính gia đình mình.

Tuy nhiên, cố vấn Tocci lưu ý rằng những biện pháp phong tỏa sẽ không có tác dụng nếu thiếu sự phối hợp giữa các nước. Thêm vào đó, việc dựng “vách ngăn” trên thực tế không còn tạo ra được nhiều khác biệt, bởi “kẻ thù vô hình” đã len lỏi vào bên trong, bình luận viên Steven Erlanger của NY Times nhận định.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/3 tuyên bố châu Âu đang là tâm Covid-19 toàn cầu và cảnh báo không thể dự đoán được đỉnh dịch. Hôm 15/3, ba nước châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của Covid-19 là Italy, Tây Ban Nha và Pháp đều ghi nhận số người chết vì nCoV kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong ở các nước này lên lần lượt là hơn 1.800, gần 300 và gần 130.

Tình hình tại Anh cũng ngày càng gây lo ngại, khi số ca nhiễm đã gần 1.400 với hơn 30 người chết. Theo tài liệu mật của Cơ quan Y tế Công cộng Anh được Guardian tiết lộ, 80% dân số nước này có thể nhiễm nCoV trong 12 tháng tới. “Tối đa 15% dân số, tương đương 7,9 triệu người, sẽ phải nhập viện điều trị”, tài liệu có đoạn.

“Cảm xúc bao trùm hiện nay là sợ hãi. Khủng hoảng Covid-19 khiến nỗi bất an và lo sợ ngày càng chồng chất, đồng thời gia tăng sự hoang mang về một thế giới đang chuyển mình quá nhanh. Bạn có thể nhiễm bệnh chỉ vì đặt tay lên nắm cửa. Đó là đỉnh điểm của nỗi sợ”, nhà khoa học chính trị người Pháp Dominique Moisi, nhận định.

Ông cho rằng trước một “kẻ thù vô hình”, việc huy động xã hội dù khó khăn nhưng vô cùng cần thiết. “Paris từng mất 150 mạng người trong một đêm hồi năm 2015 vì khủng bố. Sự việc thật tàn bạo, nhưng nó hữu hình. Trong khi đó, số người chết cuối cùng vì nCoV sẽ cao hơn rất nhiều và nó vô hình”, Moisi nói.

Các chính phủ châu Âu từng nỗ lực kêu gọi người dân bình tĩnh trước nạn khủng bố giờ đây lại đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khác. Đó là làm thế nào để khiến công chúng sợ hãi và hành động vì lợi ích chung.

Năm 2003, nhà triết học Mỹ gốc Pháp George Steiner, người qua đời tháng trước ở tuổi 90, viết một bài luận nổi tiếng có tên “Tư tưởng của châu Âu”. Theo ông, bản sắc văn hóa châu Âu bao gồm những quán cà phê, nơi mọi người gặp gỡ và giao lưu, thêm vào đó là thói quen thích đi bộ trên những quảng trường và con phố nhỏ đông đúc.

Chuyên gia Krastev chỉ ra rằng giữa lúc dịch bệnh hoành hành, các quán cà phê phải đóng cửa, trong khi quảng trường và đường phố hầu như không có bóng người. Vì vậy, hai nét văn hóa trên đều bị phá hủy, dẫn đến cảm giác bị cô lập và đơn độc của người dân.

Tuy nhiên, không khí u ám ở châu Âu đôi khi được “phá băng” nhờ những hành động bất ngờ, thể hiện tính nhân văn và sự đoàn kết, cố vấn Tocci cho hay. Người dân Italy đã cùng nhau hát từ những ban công tách biệt, đồng thời thể hiện lòng cảm kích với đội ngũ nhân viên y tế đang dốc sức làm việc.

“Điều tốt đẹp ở đây là dịch bệnh không dẫn đến tình trạng bất đồng. Mọi người sợ hãi, nhưng hầu như đều thể hiện trách nhiệm và đoàn kết. Có rất nhiều thông điệp được chia sẻ, trong đó có những câu đầy hài hước”, Tocci nói. Bản thân bà cũng khám phá ra những khía cạnh tích cực của lệnh phong tỏa, như có thêm thời gian cho con cái và gia đình.

Chuyên gia Krastev, người đang sống tại Vienna, Áo, đang phân vân giữa việc ở lại hay đưa cả gia đình tới tạm trú ở Bulgaria, nơi hệ thống y tế yếu hơn nhưng dịch bệnh dường như bớt nghiêm trọng hơn.

Đâu là nơi an toàn hơn có lẽ cũng là câu hỏi chung của tất cả người di cư. Con gái Krastev vừa trở về từ Tây Ban Nha và không hiểu tại sao phải rời nước này. “Tôi nói với con bé rằng Tây Ban Nha mà nó yêu thương sẽ biến mất trong vòng 48 giờ nữa”, ông kể lại.

Ánh Ngọc (Theo NY Times, ABC)

Theo – Vnexpress.net

RELATED ARTICLES