Trang chủTin tứcColombia lên kế hoạch trục vớt kho báu 20 tỷ USD trên...

Colombia lên kế hoạch trục vớt kho báu 20 tỷ USD trên xác tàu đắm

Chính phủ Colombia ngày 23/2 đã công bố mở một cuộc thám hiểm để tìm kiếm kho báu trên xác con tàu huyền thoại San Jose.

Tàu San Jose thuộc sở hữu của hoàng gia Tây Ban Nha và bị hải quân Anh đánh chìm vào năm 1708 gần Cartagena ở Colombia. Chỉ có vài người trong số đoàn thủy thủ khoảng 600 người sống sót, theo AFP.

Con tàu bị chìm khi đang chất đầy kho báu như ngọc lục bảo và khoảng 200 tấn đồng xu vàng từ Tân Thế giới để về địa phận của Vua Philip V của Tây Ban Nha. Chính quyền Colombia thông báo phát hiện xác tàu vào năm 2015. Giá trị ước tính của xác tàu hiện tại vào khoảng 20 tỷ USD.

Bộ trưởng Văn hóa Colombia Juan David Correa cho biết, một robot dưới nước sẽ được điều động để trục vớt các vật phẩm từ con tàu.

Theo ông Correa, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5, robot sẽ lấy các đồ vật trên tàu để nghiên cứu phương án trục vớt kho báu. Quá trình này dự kiến sẽ tiêu tốn 4,5 triệu USD và robot sẽ hoạt động ở độ sâu 600m để vớt các đồ vật như gốm sứ, mảnh gỗ “mà không làm thay đổi hoặc làm hỏng xác tàu”.

Hình ảnh do Colombia cung cấp cho thấy những vật giống như tiền vàng dưới xác tàu San Jose. (Ảnh: Chính quyền Colombia).

Alexandra Chadid, một nhà nghiên cứu hải quân cho biết, sau 3 thế kỷ chìm dưới nước, hầu hết các vật dụng trên tàu đã trải qua những thay đổi “vật lý và hóa học” và có thể phân hủy khi được kéo lên khỏi mặt nước.

Tuy nhiên, chiến dịch trục vớt của Colombia đã gây ra tranh cãi bởi số đồ vật có giá trị về mặt khảo cổ lẫn kinh tế trên tàu.

Tây Ban Nha tuyên bố kho báu đó là của họ bởi nó nằm trên con tàu của nước này. Trong khi đó, bộ tộc Qhara Qhara của Bolivia nói rằng họ nên được sở hữu kho báu bởi Tây Ban Nha đã ép buộc cư dân bản địa khai thác số kim loại quý nói trên.

Chính quyền Colombia thì muốn sử dụng nguồn lực của chính đất nước để trục vớt kho báu và đảm bảo nó vẫn ở lại Colombia.

Đại sứ Tây Ban Nha tại Colombia Joaquin de Aristegui cho biết ông đã đề nghị Colombia về một “thỏa thuận song phương” nhằm bảo vệ xác tàu.

Bộ tộc Qhara Qhara bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với chính phủ Colombia và hiện chỉ yêu cầu trả lại một số món đồ có ý nghĩa tinh thần từ con tàu. “Chúng tôi mong tổ tiên mình được yên nghỉ”, họ cho hay.

Trong khi đó, Colombia vẫn đang trong vụ kiện với công ty trục vớt Sea Search Armada có trụ sở tại Mỹ, bên tuyên bố họ đã tìm thấy xác tàu đầu tiên hơn 40 năm trước. Vụ kiện đang được tiến hành tại Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc. Sea Search Armada đòi 10 tỷ USD, một nửa giá trị ước tính của xác tàu hiện nay.

 

RELATED ARTICLES