Trang chủLâm ĐồngĐề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt...

Đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP

Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Ga Đà Lạt, điểm cuối của tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt

Theo ước tính của nhà đầu tư, chi phí thực hiện dự án là 24.924 tỷ đồng. Sau khi tính gộp lãi vay, chi phí tài chính theo phương án BOT, tổng mức đầu tư dự án sẽ là 28.987 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước góp 2.163 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng, chiếm 7,46%), vốn do nhà đầu tư BOT huy động là 26.824 tỷ đồng.

Trong vốn của nhà đầu tư, phần vốn vay là 22.800 tỷ đồng (chiếm 85%); vốn chủ sở hữu là 4.024 tỷ đồng, chiếm 15%.

Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt có chiều dài 83,5 km, khổ đường 1.000 mm, gồm 16 ga và trạm khách. Điểm đầu tại TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), điểm cuối tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Các hạng mục dự án bao gồm khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát với chiều dài 76,8 km; xây mới 11 nhà ga; xây depot, nhà xưởng; khôi phục và xây mới khoảng 64 cầu, 270 cống, 5 hầm; xây dựng các công trình giao cắt; lập lại hành lang an toàn đường sắt…

Tốc độ thiết kế đoạn từ Tháp Chàm đến Sông Pha là 40-60 km/h, đoạn Sông Pha – Đà Lạt là 30-40 km/h. Đường ray răng cưa sẽ được lắp đặt cho đoạn Sông Pha – Đà Lạt do đoạn này có độ dốc lớn.

Thời gian đầu tư dự án từ năm 2022 đến 2029. Trong đó, thời gian từ nay đến hết năm 2024 là để lập báo cáo và phê duyệt dự án. Trong 2 năm 2025 và 2026, nhà đầu tư sẽ thực hiện công tác thiết kế, giải phóng mặt bằng… dự án được thi công từ tháng 6/2026 đến tháng 12/2028, vận hành thử vào năm 2029.

Trước đó vào tháng 7/2022, Bộ GTVT chấp thuận giao Công ty CP Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP (đối tác công – tư).

Bộ GTVT báo trước doanh nghiệp sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất không được cấp có thẩm quyền chấp thuận, báo cáo nghiên cứu khả thi không được phê duyệt hoặc dự án không lựa chọn được nhà đầu tư.

C.Thành (Báo Lâm Đồng)

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202301/de-xuat-khoi-phuc-tuyen-duong-sat-thap-cham-da-lat-theo-phuong-thuc-ppp-3152281/

The post Đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP appeared first on Click49.

RELATED ARTICLES