Các bác sĩ tại Vũ Hán nhận thấy triệu chứng ban đầu ở những bệnh nhân Covid-19 nhập viện trước và sau lệnh phong tỏa thành phố ngày 23/1 không giống nhau.
Ba nghiên cứu riêng biệt công bố trên tạp chí Lancet mới đây cho thấy các biện pháp cách ly hàng loạt được thực hiện nhằm hạn chế sự lây lan của nCoV có thể đã làm thay đổi quá trình phát triển của virus.
Các nhà nghiên cứu lâm sàng ở tâm dịch Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19, cho rằng việc cách ly hàng triệu người có thể đã gây ra đột biến trong cấu trúc di truyền của nCoV, dẫn đến các triệu chứng ban đầu của bệnh nhẹ hơn, gần giống như viêm phổi. Một số người thậm chí không có biểu hiện gì.
Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, với 11 triệu dân vào ngày 23/1. Người dân phải ở tại nhà, tạm dừng giao thông và đóng cửa các khu vực công cộng. Các biện pháp quyết liệt này sau đó cũng được sử dụng cho các thành phố khác trong tỉnh.
Quảng trường Duomo ở Milan ngày 10/3, sau khi chính phủ Italy phong tỏa đất nước. Ảnh: Reuters
Chuyên gia về bệnh hô hấp Zhang Zhan và các đồng nghiệp của ông tại Bệnh viện Renmin, Đại học Vũ Hán, chỉ ra xu hướng bất thường ở những bệnh nhân Covid-19.
“Chúng tôi nhận thấy các đặc điểm lâm sàng ban đầu của những bệnh nhân nhập viện sau ngày 23/1 không giống với những bệnh nhân được nhập viện trước đó. Điều này đem đến những thách thức mới trong quá trình chẩn đoán bệnh”, các bác sĩ chia sẻ.
Một số biểu hiện phổ biến của Covid-19 như sốt, mệt mỏi, có đờm và đau mỏi cơ thể xuất hiện nhiều hơn ở những bệnh nhân nhập viện trước ngày 23/1. Trong khi đó, những ca sau ngày 23/1 không gặp tất cả triệu chứng trên. Theo báo cáo, số bệnh nhân sốt giảm 50%, số người cảm thấy mệt mỏi giảm 70% và số người bệnh trải qua triệu chứng đau mỏi cơ giảm 80%. Vài người trong 80 bệnh nhân được nghiên cứu thậm chí không có triệu chứng gì.
Theo nghiên cứu, các triệu chứng ban đầu nhẹ hơn sau khi thành phố phong tỏa, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy mức độ lây truyền hoặc mầm bệnh đã suy yếu. Họ nhận định đây có thể là do sự đột biến của virus.
Các nhà khoa học cho rằng khi virus lây lan ra toàn thế giới, nó sẽ tiếp tục phát triển và biến đổi. Ví dụ, bộ gene của nCoV ở Italy sau khi ban bố lệnh phong tỏa có nhiều điểm tương đồng với bộ gene được phát hiện trước đó ở Đức, nhưng lại không giống với các mẫu bệnh phẩm của Trung Quốc.
Cũng đã có nhiều tranh luận về việc đột biến gen có ý nghĩa gì đối công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch.
Một nghiên cứu khác do Jiang Yongzhong từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc cũng phát hiện ra rằng virus này đã chia thành hai loại chính, dựa trên phân tích 146 mẫu, theo một bài báo trên trang bioRxiv hôm 4/3.
Ông cũng cho biết cấu trúc di truyền của virus đã thay đổi sau khi các biện pháp cách ly được áp dụng, và quá trình đột biến đã xảy ra trên toàn thế giới.
Tử Cấm Thành, Trung Quốc bị đóng cửa do dịch bệnh. Ảnh: AP
Paul Young, người đứng đầu Trường Hóa học và Khoa học Sinh học Phân tử của Đại học Queensland, cho rằng nCoV sẽ đột biến thành chủng mới, khi nó lan rộng. Đây là điều bình thường đối với virus có chứa bộ gen RNA (như nCoV). Chúng tự sinh ra các đột biến khi được nhân rộng. Hầu hết đột biến này là ngẫu nhiên, không liên quan đến sự thích nghi với vật chủ và chỉ đơn giản phản ánh của tỷ lệ lỗi cao trong việc sao chép bộ gen của virus.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus trở nên nguy hiểm hơn khi biến chủng.
Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng loại virus này có nguồn gốc từ dơi. Bộ gene của nCoV giống tới 96% bộ gene của một loại virus corona được tìm thấy ở loài dơi tỉnh Vân Nam vài năm trước. Virus trải qua hàng trăm đột biến trước khi nó trở thành nCoV gây ra Covid-19, với khoảng từ một đến hai đột biến mỗi tháng.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa thể đi đến kết luận về việc các biện pháp cách ly có thể có tác động tới sự phát triển và biến đổi của nCoV hay không. Do đó, mỗi người nên chủ động bảo vệ bản thân, tránh lây nhiễm bằng cách đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay sạch, không tiếp xúc người ho hay hắt hơi, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Minh Ngân (Theo SCMP)
Theo – Vnexpress.net