Trang chủHà NộiNgười lao động nơm nớp lo mất việc

Người lao động nơm nớp lo mất việc

Mỗi lần có thêm bệnh nhân nhiễm nCoV, Ngọc và các đồng nghiệp lại thấp thỏm xem tới lượt ai trong công ty sắp bị cho thôi việc.  

Một tháng nay, công ty của Như Ngọc (26 tuổi, Hà Nội), một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phân phối game online, lĩnh vực tưởng ít bị ảnh hưởng cũng lao đao. Thông báo từ ban lãnh đạo công ty gửi đi lúc 1h sáng gần đây cho biết “dù có lợi nhuận hơn so với ngành khác, nhưng công ty cũng bị ảnh hưởng do nhiều dự án game bị trì hoãn, chi phí phát sinh cao hơn so với năng suất”.

Ngay sau thông báo này, công ty cắt giảm nhân sự ở tất cả bộ phận, sản phẩm nào doanh thu thấp nhưng tốn nhân sự cũng loại bỏ. Ngọc đã chứng kiến đồng nghiệp, trong đó có bạn mình, bị chấm dứt hợp đồng lao động. Nên mỗi ngày Việt Nam có thêm bệnh nhân nhiễm nCoV, cô và những người còn lại càng thấp thỏm.

“Giờ cũng chỉ biết cố gắng đi làm sớm hơn mỗi ngày, tập trung hơn nữa cho công việc và mong rằng mọi việc sẽ tốt lên”, Ngọc nói.

Một cơ sở tiếng Anh ở chùa Láng đóng cửa hôm 13/3 – khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Quỳnh Trang

Cũng chung cảnh ngộ, Nguyễn Hoài – người làm việc tại trung tâm tiếng Anh có tiếng ở Hà Nội – cho biết gần đây công ty thay đổi chính sách theo hướng thắt chặt hơn. Công ty nâng chỉ tiêu doanh thu của một trung tâm từ 800 triệu lên 1,2 tỷ và nếu trung tâm không đáp ứng được KPI, nhân viên bị giảm lương cứng 30%. Ngày nhận lương cũng bị lùi lại, từ mồng 5 chuyển sang ngày 20 hàng tháng.

“Bộ giáo dục yêu cầu nghỉ học, trung tâm phải đóng cửa lớp học offline, lớp học online thì không thu phí. Doanh thu tiền tỷ hàng tháng giờ chỉ còn vài chục triệu, lấy đâu ra học sinh để trung tâm đạt doanh thu nên đương nhiên là chúng tôi bị trừ tiền”, cô nói.

Trước đây, tổng thu nhập của Nguyễn Hoài với công việc làm chủ nhiệm lớp gồm lương cứng và hoa hồng từ 15-20 triệu một tháng. Tuy nhiên do dịch bệnh, cô vừa không có hoa hồng và sắp tới sẽ còn bị trừ lương cứng. Hoài cho hay: “Mọi người cũng phải cố gắng vớt vát, có khi đi phát bóng, bút chì… chạy doanh số từ 9h sáng đến 9h tối, nhưng số tiền nhận về sau cả tháng cũng chỉ bằng 1/3 thu nhập trước đây”.

Dẫu sao Ngọc và công ty phân phối game vẫn còn đang hoạt động. Nhiều cô giáo mầm non tư phải nghỉ dài ngày. Nhàn (23 tuổi, Hà Nội) – giáo viên đứng lớp 3 tuổi tại trường mầm non tư thục kể, từ sau Tết, liên tục trong cảnh thấp thỏm. “Cứ cuối tuần lại có thông báo nghỉ thêm một tuần nên chúng tôi ngồi nhà chờ đợi vì lỡ đâu trường mở cửa và cũng không có chỗ nào nhận làm thêm ngắn ngày”, Nhàn nói.

Một tháng trường không có nguồn thu, ban lãnh đạo nhà trường nói sẽ chi trả 70% lương cơ bản. Một số ít phụ huynh có hỗ trợ nhà trường nhưng chỗ này cũng chẳng đủ để chi trả cho hai nhân viên. Người chị cùng làm với cô, đã nghỉ việc tìm kiếm công việc khác “vì không biết phải chờ đến khi nào” trong khi áp lực chi trả gia đình quá lớn.

Đầu tháng nay, trường mầm non của cô mở chiến dịch “giải cứu giáo viên” bằng việc mở quán ăn tại trường, kêu gọi cô tham gia. Không được đứng lớp, vậy là hơn chục giáo viên chuyển sang đứng bếp, bán hàng và đi ship đồ ăn cho phụ huynh và người dân xung quanh. Trường mầm non tư thục nay tạm thời thành một quán ăn. 

Quán ăn Giải cứu giáo viên mở tại một trường mầm non tư thục. Ảnh: Nhà trường cung cấp. 

Trường mầm non tư thục ở Vũ Tông Phan (Hà Nội) biến thành một quán ăn sáng sau hơn một tháng phải đóng cửa. Ảnh: Hugo Kids.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Chủ tịch HĐQT Trường mầm non Hugo Kids – người đứng sau kế hoạch “giải cứu giáo viên” nói rằng nhiều mối lo bủa vây khi trường bước sang tháng thứ hai phải đóng cửa. Doanh thu tháng 400 triệu của trường mầm non vốn có 130 học sinh và 24 giáo viên nay về con số 0. Tiền thuê nhà hơn 46 triệu một tháng vẫn phải đóng đủ, bảo hiểm xã hội cho nhân viên hơn 30 triệu, tiền lương hỗ trợ giáo viên…, nhà trường vẫn phải chi.

“Trong cái khó ló cái khôn”, bà bỏ vốn, kêu gọi được một nửa nhân viên cùng bán đồ ăn để có thêm nguồn thu cho họ. Tuy nhiên, khi mới chỉ hoạt động được một tuần, ca nhiễm tăng lên tại Hà Nội khiến kế hoạch giải cứu của họ cũng tạm đổ bể, việc bán hàng lại phải dừng. 

“Một vài ngày nữa khi có tin tốt hơn, chúng tôi sẽ mở bán lại, thuê ship đồ. Tôi chỉ mong chủ nhà có thể giảm tiền thuê, 30-50% cũng là ‘đáng quý; cơ quan bảo hiểm xã hội cũng có phương án hỗ trợ các đơn vị trường tư thục. Trường có quỹ dự phòng nhưng chắc cũng phải tính đến phương án vay ngân hàng”, bà nói.

Bà cho biết ngôi trường hơn 3 năm tuổi này, cũng chỉ hỗ trợ nhân viên 1-2 tháng lương đầu khi trường đóng cửa. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục, sẽ là “quá sức” với trường.

Theo khảo sát nhanh trên 1.200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực, gần 40% đơn vị cắt giảm nhân sự và 4% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương.

Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%, chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh là những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước. 

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, theo kiến nghị thư của tập thể giáo dục ngoài công lập ngày 3/3, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50% và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. 

Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc. Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và HN thì sẽ có hàng nghìn giáo viên mất việc, cả triệu tỷ tiền vay ngân hàng không được trả đúng hạn. 

Quỳnh Trang

Theo – Vnexpress.net

RELATED ARTICLES