Nhiều người Đài Loan vẫn tin rằng một chàng trai chưa vợ phải sang thế giới bên kia là một điểm xấu và gia đình họ sẽ bị xui xẻo. Việc tổ chức một đám cưới với người âm cũng phải tiến hành như với người đang sống trên cõi trần.
Bởi nhiều người quan niệm rằng, những hồn ma chưa được tổ chức hôn lễ sẽ rất “khó tính”, nếu không “khéo chiều” thì người nhà sẽ bị họ “hành” đến hết đời.
“Đám cưới ma” hay còn gọi là “minh hôn” (âm hôn), được cho là đã có từ thế kỷ 17 trước Công nguyên.
Theo sách “Tam Quốc chí – Ngụy chí – Bỉnh Nguyên chí”, năm Kiến An thứ 13, ghi lại điển tích Tào Xung, con trai Tào Tháo không may chết sớm.
Tào Tháo đau khổ, day dứt vì chưa cưới được vợ cho con khi còn sống nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý đã chết để làm lễ cưới với Tào Xung.
Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân có con gái chết yểu, Tào Tháo liền đến nói chuyện. Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức “đám cưới ma” như thật, sau đó hợp táng cho “đôi vợ chồng mới cưới”.
Âm hôn thực sự hưng thịnh trong thời nhà Tống.
Theo ghi chép trong “Tạc mộng lục”, phàm là những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải nhờ “quỷ mai mối” đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành xem quẻ.
Nếu như xem quẻ đồng ý cho cưới thì hồn ma của đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ và chôn cất hai người cùng một mộ.
Vào thời nhà Thanh, những cô gái được chôn cùng người chết đều được coi là trọng trinh tiết và trở thành tấm gương cho thiên hạ, mãi tới cuối đời Thanh, hủ tục này mới dần biến mất.
Hãy nhìn vào bức ảnh trên được chụp bởi một thanh niên người Nhật ở Đài Loan.
Anh ta bắt gặp một cái phong bì đỏ, hay phong bao lì xì rơi trong khu nhà mình. Lì xì đỏ trong văn hóa Trung Quốc được coi là một vật phẩm may mắn.
Theo truyền thống thì có tiền mặt bên trong và phong bao được tặng cho trẻ em trong dịp Tết Nguyên Đán, màu đỏ mang lại sự may mắn cho thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, trong trường hợp này thì hoàn toàn khác, và suýt nữa thì anh chàng người Nhật này đã gặp rắc rối.
Trong bài viết đăng trên Twitter, chủ nhân của bức ảnh cho biết:
Hôm qua, tôi gặp một phong bao đỏ trên đường.
Hãy cẩn thận, đừng vội reo lên hạnh phúc “Có phải tiền không?” giống như tôi!
Cái này có thể dẫn đến một cuộc hôn nhân, khi một gia đình muốn tìm chồng cho người phụ nữ đã chết. Đối tượng sẽ chính là người nhặt được phong bao chứa ảnh và một búi tóc của cô ấy.
Đây là lần thứ 3 tôi gặp chuyện này ở Đài Loan.
Được biết, tục lệ trên được gọi là đám cưới ma hoặc “minh hôn” ở một số nơi như Đài Loan, Malaysia hoặc một vài vùng miền của Trung Quốc. Khi một gia đình có con gái chết sớm và muốn tìm vị hôn phu cho cô gái đó, họ sẽ bỏ tóc và ảnh người chết vào phong bao rồi để ngẫu nhiên ngoài đường, nếu ai nhặt được sẽ bị ép cưới hoặc gây khó dễ.
Hãy cẩn thận vì một phong bao đỏ trên đường có thể dẫn bạn đến một đám cưới ma ngoài dự kiến.
Mặc dù không nhặt đồ không thuộc về mình là điều hiển nhiên mà chúng ta đã được giáo dục từ nhỏ, tuy nhiên, phong bao đỏ rất dễ gây chú ý và thôi thúc người ta nhặt nó lên. Ở hầu hết các quốc gia Đông Á, ví dụ như Nhật Bản hoặc Việt Nam, phong bao đỏ chỉ mang ý nghĩa may mắn và không hề gắn với tập tục đám cưới ma bí ẩn nọ.
Hình nhân cô dâu chú rể dự cỗ cưới
Chính vì vậy, nhiều người có thể vô tình nhặt phong bao lên và rước họa vào thân, nhất là khách du lịch hoặc người từ nơi khác đến sinh sống.
Một vài người Đài Loan bình luận:
“Tôi sinh ra ở Đài Loan, nhưng tôi chưa bao giờ thấy điều này trước đây. Mặc dù mọi người đều nghĩ rằng Đài Loan tương đối hiện đại, nhưng thực tế, sự mê tín của người dân vẫn tồn tại. Các ngôi đền và thậm chí các nhà thờ đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng.”
“Tôi là người Đài Loan, và khi còn là một đứa trẻ, tôi nhớ đã nhìn thấy những phong bì này ở bên đường thường xuyên kể từ khi chuyển tới sống gần nhà hỏa táng và nhà tang lễ.”
“Chuyện này có thật nhé, nên các thanh niên phải cẩn thận đi!”
Bức ảnh chụp cô dâu (đã chết) và chú rể trong một đám cưới ma.
Một người Đài Loan vô tình đọc được bài viết trên và đã bày cách để tránh rắc rối từ những phong bao đỏ này:
Nếu người nhặt phong bao là phụ nữ thì sẽ không bị gì cả. Tuy nhiên, nếu một người nam lỡ tay nhặt được, gia đình của cô dâu đã chết nấp ở gần đó sẽ chạy tới để gây khó dễ ngay lập tức. Lúc này, chỉ cần bỏ một ít tiền vào phong bao và nói “Tôi hy vọng mọi người sẽ tìm được người khác phù hợp.” Như vậy là thoát nạn.
Tôi biết tập tục này đã được lưu truyền từ thời nhà Thanh đến giờ, và rất nhiều nơi vẫn còn làm theo nó.
Nếu không tìm được một hôn phu “tình nguyện” cưới con gái đã chết của mình, gia đình cô dâu sẽ phải đi tìm hoặc mua một xác chết nam giới để thay thế rồi hợp táng cả đôi cùng một chỗ.
Giá mua một xác chết để tổ chức “minh hôn” là rất cao, vì vậy dẫn đến một số băng nhóm tội phạm giết người lấy xác để tổ chức minh hôn cho gia đình có nhu cầu. Phong tục này ẩn chứa nhiều nguy cơ, tuy nhiên niềm tin mê muội của con người vẫn giữ nó tồn tại đến tận ngày nay.