Gần đây, người dân rất quan tâm đến việc xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt “nguội”) sau khi Công an TP Đà Lạt đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Giám sát – Điều hành giao thông trên địa bàn thành phố từ ngày 20/7.
Trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng Online, Thượng tá Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng Công an TP Đà Lạt cho biết: Trung tâm đang tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này; đồng thời, là tiền đề cơ quan chức năng địa phương hoàn thiện Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố. Thượng tá Hùng nhấn mạnh: Bước đầu, hệ thống 35 camera chất lượng cao, đặt ở các giao lộ chính, nút giao thông trọng điểm đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc bao quát, phát hiện các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Quan trọng hơn cả là giúp nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân địa phương và du khách, cũng như từng bước giảm thiểu các vụ tai nạn.
• Phóng viên: Sau khi Công an TP Đà Lạt chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát – Điều hành giao thông (Trung tâm) TP Đà Lạt thì hiệu quả bước đầu mà Trung tâm đem lại trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn là gì thưa ông?
• Thượng tá Nguyễn Văn Hùng: Việc sử dụng hệ thống camera phạt “nguội” người tham gia giao thông vi phạm là cần thiết và được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng trong nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông đô thị. Đây cũng là giải pháp tác động đến tâm lý, giúp người tham gia giao thông tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi người điều khiển phương tiện có thể bị xử lý bất cứ lúc nào nếu vi phạm; đồng thời, tạo sự công bằng trong chấp hành pháp luật.
Trước mắt, Trung tâm đã tích hợp được 35 mắt camera chất lượng cao, đặt ở các tuyến đường chính và nút giao thông trọng điểm. Trong đó, 25 mắt camera đặt tại 7 vị trí có tín hiệu đèn giao thông, 7 mắt camera giám sát các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố. Thông qua hình ảnh, công nghệ cảnh báo tự động sẽ giúp lực lượng chức năng phát hiện sớm, xử lý nhanh sự cố giao thông trong nội đô.
Qua hơn 1 tháng hoạt động, Công an TP Đà Lạt đã tiến hành xử phạt nguội hơn 100 trường hợp đối với các hành vi vi phạm giao thông. Trước đó, Công an thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới người dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh, đội ngũ lái xe.
• Phóng viên: Xin ông cho biết các hành vi vi phạm nào của chủ phương tiện sẽ bị phạt “nguội” và quy trình xử lý vi phạm được tiến hành ra sao?
• Thượng tá Nguyễn Văn Hùng: Công an TP Đà Lạt đã xử phạt các lỗi vi phạm đối với xe ô tô và xe máy, gồm: Không chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; rẽ trái nơi có biển cấm rẽ trái; đi ngược chiều. Đối với các lỗi vi phạm khác như vi phạm tốc độ…, thời gian tới, Công an Tp Đà Lạt đang tiếp tục khảo sát, đề xuất lắp đặt các camera tích hợp chức năng kiểm tra tốc độ để xử lý lỗi vi phạm này. Các hành vi vi phạm khác như lỗi như nồng độ cồn, tốc độ, tải trọng xe… hiện đang được lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát và tiến hành xử phạt vi phạm như bình thường.
Về quy trình xử lý vi phạm, có thể hiểu Trung tâm tích hợp hệ thống tiên tiến, hiện đại, tự động phát hiện vi phạm qua ghi, lưu hình ảnh vào kho vi phạm 24/24 giờ. Sau đó, cán bộ điều hành Trung tâm sẽ phân loại các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ rõ ràng nhất để làm các thủ tục gửi tới người vi phạm. Cụ thể là Công an TP Đà Lạt sau khi sàng lọc sẽ gửi văn bản thông báo tới người vi phạm, trong đó chỉ rõ lỗi vi phạm, thời điểm vi phạm.
Chủ phương tiện nhận thông báo vi phạm có thể dùng điện thoại quét mã QR trong thông báo để xem chi tiết vi phạm hoặc quét mã barcode. Theo quy định, Trưởng Công an TP Đà Lạt sẽ gửi tối đa 2 thông báo vi phạm hành chính cho chủ phương tiện vi phạm, quá 2 lần thông báo (mỗi lần 15 ngày) người vi phạm không tới nộp phạt thì đơn vị sẽ thực hiện các thủ tục thông báo tới Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Nếu không chấp hành đóng phạt, chủ phương tiện sẽ không đăng kiểm được xe theo quy định.
Đối với chủ phương tiện xe ô tô, xe máy đăng ký ngoài địa bàn TP Đà Lạt mà vi phạm, Công an TP Đà Lạt ngoài gửi qua đường bưu điện thông báo vi phạm hành chính cho chủ phương tiện còn gửi thông báo tới Công an địa phương (nơi chủ phương tiện tiện đăng ký thường trú, tạm trú) để xử phạt theo quy định.
• Phóng viên: Có khó khăn gì trong quá trình vận hành Trung tâm giám sát – Điều hành giao thông, thưa ông?
• Thượng tá Nguyễn Văn Hùng: Từ khi Trung tâm đi vào vận hành đã giảm áp lực cho lực lượng cảnh sát giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, ý thức chấp hành Luật Giao thông từ người dân được cải thiện. Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện phạt “nguội” cũng gặp một số khó khăn, bất cập. Trong công tác xác minh người tham gia giao thông ngay tại thời điểm vi phạm gặp nhiều khó khăn do xe không chính chủ, xe mượn, xe thuê, số lượng camera còn ít, độ bao phủ chưa rộng nên việc truy vết phương tiện còn hạn chế.
Bên cạnh đó, do mới đưa vào vận hành, việc phối hợp, chia sẻ và kết nối thông tin về truy xuất nguồn gốc phương tiện chưa được đồng bộ. Việc phổ biến, tuyên truyền để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ chưa được rộng rãi. Ngoài ra, để biết các hành vi vi phạm, ngoài tra cứu mã QR trên thông báo gởi đến chủ phương tiện, người tham gia giao thông chưa nắm bắt được thông tin, địa chỉ truy xuất, trang web để biết các lỗi vi phạm.
Một số trường hợp không thực hiện đúng quy định sang tên, đổi chủ khi mua bán phương tiện, dẫn đến tình trạng chủ phương tiện hiện tại vi phạm nhưng thông báo vẫn gửi về địa chỉ chủ cũ; hoặc chủ cũ vi phạm nhưng không đến nộp phạt vi phạm hành chính, chủ mới mua lại xe khi đi đăng kiểm mới biết xe đã bị dừng dịch vụ đăng kiểm, lúc này việc tìm chủ cũ, thuyết phục nộp phạt gặp nhiều khó khăn.
• Phóng viên: Công an TP Đà Lạt có khuyến cáo người dân, du khách nội dung gì để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông hiệu quả thời gian tới?
• Thượng tá Nguyễn Văn Hùng: Qua ghi nhận ý kiến Nhân dân về việc triển khai việc phạt “nguội” tại các nút giao thông trọng điểm, đa số đều đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, tình hình trật tự an toàn giao đã có sự chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân, du khách tham gia giao thông được cải thiện hơn.
Tuy nhiên, qua thống kê 1 ngày tại các giao lộ có lắp camera xử phạt “nguội”, số lượng người dân tham gia giao thông vi phạm vẫn còn khá nhiều, chủ yếu là các hành vi đi lấn vạch kẻ đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi ngược chiều, rẽ trái sai quy định… Những vi phạm trên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Do đó, thời gian tới, ngoài tăng cường thêm camera, mở rộng phạm vi giám sát tại các giao lộ khác, Công an TP Đà Lạt đề nghị người tham gia giao thông trên địa bàn chấp hành tốt các quy định Luật Giao thông đường bộ hơn nữa.
Chúng tôi nhấn mạnh công tác tuyên truyền thời gian tới vẫn là hoạt động trọng tâm, ngoài ra kết hợp xử phạt vi phạm để người dân tham gia giao thông hiểu rõ, nâng cao ý thức và phối hợp thực hiện.
• Phóng viên: Xin cám ơn ông!
C.Thành (Báo Lâm Đồng)
Nguồn: http://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202309/phat-nguoi-qua-camera-giam-sat-tai-da-lat-canh-sat-do-ra-duong-nguoi-dan-nang-cao-y-thuc-chap-hanh-633137e/
The post Phạt ”nguội” qua camera giám sát tại Đà Lạt: Cảnh sát đỡ ra đường, người dân nâng cao ý thức chấp hành appeared first on Click49.