Trang chủDu lịchTiếp viên hàng không tiết lộ 5 điều ít ai để ý...

Tiếp viên hàng không tiết lộ 5 điều ít ai để ý khi đi máy bay: Bạn có biết ý nghĩa của hình tam giác này?

Kể cả những người đi máy bay nhiều lần cũng khó mà biết hết được 5 chi tiết đặc biệt này trong chuyến bay.

Ngày nay máy bay không còn là phương tiện quá xa xỉ đối với người Việt bởi giá cả hợp lý, tốc độ nhanh lại an toàn, chính vì thế số người đi máy bay ngàng càng tăng lên. Tuy nhiên, kể cả những người đi máy bay nhiều lần cũng khó mà biết hết một số chi tiết đặc biệt trong chuyến bay.

Vậy đó là gì? Với kinh nghiệm của một tiếp viên hàng không, hãy cùng tác giả điểm qua vài chi tiết thú vị sau để xem bạn đã thực sự ” thuần thục” việc đi máy bay chưa nhé!

1. Hộc hành lý

Vì sao chuyến bay này tôi được mang 7 kg hành lý xách tay, chuyến bay khác lại tới 14 kg? Trên thực tế, trọng lượng hành lý hành khách được phép mang theo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ cấu của máy bay, quy định của từng hãng.

Nếu như bạn là người để ý đến các chi tiết nhỏ trên máy bay bạn sẽ thấy những hộc hành lý trên đầu hành khách thường ghi rõ giới hạn tải của nó.

Lấy ví dụ máy bay Airbus A320, hành khách được mang theo 7 kg hành lý xách tay là bởi máy bay này được với thiết kế tổng cộng 186 ghế và 42 hộc hành lý, mỗi hộc có giới hạn tải 38 kg. Vậy chia đều ra mỗi hành khách được mang 8,5 kg và lúc đó hãng sẽ khấu hao đi còn 7 kg.

Nếu hành khách cố tình mang thừa hành lý sẽ có thể dẫn đến việc hộc hành lý bị hỏng hay thậm chí sẽ sập xuống gây chấn thương cho khách hàng.

2. Thời điểm an toàn để đứng lên lấy hành lý

Máy bay đã tiếp đất và dừng lại không có nghĩa là bạn được phép đứng lên lấy hành lý. Trên thực tế, máy bay chỉ thực sự dừng hẳn khi động cơ được tắt đi, lúc này đèn hiệu cài dây an toàn cũng đồng thời được tắt. Trong trường hợp hành khách cố tình di chuyển khi động cơ chưa tắt hẳn, họ hoàn toàn có nguy cơ bị trượt ngã và va đập nguy hiểm.

Chính vì điều này nên các tiếp viên hàng không phải liên tục nhắc nhở mọi người ổn định chỗ ngồi và cài dây an toàn cho đến khi đèn hiệu tắt đi.

3. Ký hiệu tam giác đen trên thân máy bay

Ký hiệu tam giác tại thân máy bay sẽ nằm ở khoang hành khách, ngay phía trên ô cửa sổ đối với các máy bay thân hẹp. Có thể hiểu nôm na, đây là chỗ ngồi có tầm nhìn rõ nhất ra hai cánh của máy bay. Từ vị trí ô cửa này, tiếp viên có thể quan sát bao quát tình trạng của phần cánh, để kịp thời báo với phi hành đoàn nếu có gì bất trắc xảy ra với phần cánh máy bay.

Ký hiệu tam giác đen trên thân máy bay. Ảnh: Travel and Leisure

Ký hiệu tam giác đặc biệt hữu ích trong mùa đông khi phi hành đoàn muốn kiểm tra cánh máy bay có bị đóng băng hay không. Thường thường, trước khi cất cánh, máy bay được phun hỗn hợp chất lỏng khử băng để giảm thiểu nguy cơ mất kiểm soát do lớp băng làm chuyển hướng luồng khí lưu, làm cho máy bay chết máy.

Ngoài ra, vị trí dưới ký hiệu tam giác đen cũng là nơi có view chụp ảnh cánh máy bay đẹp nhất nên các vị khách hàng “đam mê sống ảo” sẽ yêu thích. Với những người bị say máy bay, đây cũng là vị trí lý tưởng vì chịu ít xóc, ít va chạm nhất.

4. Hành khách luôn đi lên và đi xuống từ phía bên trái máy bay

Khi bạn đi máy bay dù có đi bằng thang hay đi ống thì hành khách luôn luôn đi vào ở cửa bên trái chứ không di chuyển từ phía tay phải.

Việc khách lên xuống được “phân luồng” rõ rệt như vậy là bởi các cửa ở bên phải sẽ được dành riêng cho bộ phận mặt đất làm việc. Ví dụ, các cửa bên phải sẽ tập trung cho việc cung cấp suất ăn, vận chuyển hành lý ký gửi hoặc dành cho những hành khách đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật.

5. Cửa thoát hiểm máy bay

Cửa thoát hiểm máy bay là một vị trí rất quan trọng giúp hành khách có thể thoát hiểm nhanh nhất và trong thời gian ngắn nhất cùng với sự hướng dẫn của tiếp viên hàng không. Các cửa này thường được bố trí theo từng cặp ở các vị trí: Phía trước, ở giữa, phía sau máy bay với số lượng tối đa là 8 cửa. Cửa thoát hiểm thường có dòng chữ thông báo, khá dễ nhận biết!

Khu vực cửa thoát hiểm máy bay là vị trí khá rộng rãi và thoải mái nên nhiều hành khách lựa chọn, tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng có thể được ngồi ở đây.

Hình dáng thường thấy của cửa thoát hiểm. Ảnh: Internet

Hình dáng thường thấy của cửa thoát hiểm. Ảnh: Internet

Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, hành khách ngồi tại khu vực cửa thoát hiểm phải đảm bảo đồng thời các yếu tố sau đây:

– Hành khách không phải là người khuyết tật, có điều kiện sức khỏe, tâm lý tốt.

– Hành khách trên 15 tuổi, độc lập, hiểu và thực hiện được những yêu cầu các tiếp viên hàng không đưa ra trong trường hợp thoát hiểm và cần sự trợ giúp.

– Dù hành khách đủ điều kiện ngồi cửa thoát hiểm nhưng có trẻ em đi cùng thì vẫn không được ngồi đó bởi trẻ em có thể làm cản trở quá trình thoát hiểm khẩn cấp.

– Tiếp viên hoàn toàn được phép đổi chỗ người ngồi tại cửa thoát hiểm nếu người đó không hiểu và không thực hiện quy trình thoát hiểm khẩn cấp.

Ngoài ra, đồ dùng cá nhân của người ngồi vị trí này cũng bắt buộc phải để lên trên để phục vụ cho việc thoát hiểm khẩn cấp.

RELATED ARTICLES