Trang chủCộng đồng mạngÝ kiến trái chiều: Thịt chó là ẩm thực văn hóa dân...

Ý kiến trái chiều: Thịt chó là ẩm thực văn hóa dân tộc, người phương Tây không có quyền chỉ dạy cho người Việt ăn gì và ăn như thế nào

Người phương Tây, không có quyền chỉ dạy cho người Việt ăn gì và ăn như thế nào. Văn minh ở đây – là tôn trọng văn hóa địa phương, trong đó có văn hóa ẩm thực, chứ không phải áp tiêu chuẩn của quốc gia này vào quốc gia khác, đề cao văn hóa nước này mà phủ nhận văn hóa của quốc gia khác.

Dĩ nhiên, có một số ngoại lệ, nhưng những ngoại lệ đó phải dựa trên những tiêu chuẩn đồng nhất mang tính bảo tồn quốc tế.

Người châu Âu có một tiêu chuẩn kép đến lạ kỳ. Như việc họ phòng không tốt, rồi quay qua mắng các nước châu Á nói rằng vì châu Á vi phạm nhân quyền, che giấu thông tin nên mới phòng tốt.

Ở phương Tây, tự do cá nhân luôn được đề cao, vậy thì khi người phương Đông, trong đó có người Việt, tự do ăn thứ mà họ thích – miễn là không vi phạm pháp luật, đạo đức mà lại bị lên án?

Nói về thịt chó ấy, thì có lẽ người châu Âu cần nhìn nhận rõ hơn, thịt chó được chế biến rất kỹ ngay từ khâu sơ chế (thui qua rơm để phần da vàng đen óng) đến khâu chế biến thì lại càng kỹ hơn, nhiệt độ và thời gian nấu thịt chó cao hơn hẳn các loại thịt khác. Người Việt chế biến thịt chó phải chín kĩ, không chín hồng – như bít tết mà phương Tây ăn.

Mới đây, Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) đã gửi bản kiến nghị tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. trong đó, chủ đạo là việc ACPA đề nghị Chính phủ ngay lập tức thực hiện cấm vĩnh viễn vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ chó mèo để làm ăn tại Việt Nam, phạm vi áp dụng là trên toàn quốc. Bên cạnh đó là những tuyên bố về sức khỏe cộng đồng liên quan đến việc ăn thịt, nuôi nhốt chó mèo.

Tại Việt Nam, chỉ có Quốc Hội – cơ quan quyền lực cao nhất mới có quyền lập pháp và quy định các hoạt động của Chính phủ.

Văn bản của ACPA không có giá trị pháp lý, càng không phù hợp với luật pháp Việt Nam. Nhưng những “chó quyền” lại tung hô và ủng hộ văn bản của ACPA, không khác gì cổ vũ cho một văn bản vi hiến, sai quy định và mang tính trịch thượng, ra lệnh cho Chính phủ như vậy.

Quay lại câu chuyện ăn thịt chó, thì chín người, mười ý. Một số người bảo, chó là vật nuôi chứ không phải gia súc như lợn, bò hay gia cầm như gà, vịt… Vì thế, chó không phải để “ăn”? – SAI TOÉT.

Theo Luật Chăn nuôi 2018, bắt đầu thực hiện từ 01/01/2020 thì vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi. Trong đó, gia súc là loài động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi nhằm mục đích lấy sức lao động, làm thực phẩm. Dĩ nhiên, trong phân loại gia súc có cả chó và mèo.

Thêm nữa, trong bộ luật này có quy định các động vật khác trong chăn nuôi được ưu tiên bảo vệ bao gồm các loài thú quý hiếm, có trong sách đỏ, có số lượng cá thể ít, động vật hoang dã cần bảo tồn theo các công ước quốc tế. Và lại phải khẳng định thêm một lần nữa, chó không có trong phân loại các động vật khác cần được ưu tiên và bảo vệ.

Vì thế, nếu nói chó là vật nuôi thì lợn cũng là vật nuôi. Còn nếu nói lợn là gia súc thì cũng phải nói chó là gia súc. Chó, lợn, bò hay các loại gia súc khác đều bình đẳng trước pháp luật.

Con người có thể tận dụng chó để lấy sức lao động (trông nhà, canh giữ, biểu diễn…) hoặc để làm thực phẩm và không hề vi phạm các quy định của pháp luật.

Hiện nay, kể cả việc nuôi chó cảnh, về mặt bản chất, cũng tức là đang tận dụng chó để phục vụ nhu cầu giải trí, nuôi nhốt của con người. Kể cả bạn có đối tốt với chó thế nào, về mặt bản chất, chó vẫn là gia súc chứ không phải con người. Nhiều người có thể coi chó là “bạn” hay “người thân” nhưng luật pháp thì không.

ACPA cần đọc Luật Chăn nuôi 2018, có quy định rõ ràng về bảo vệ động vật. Đặc biệt chú ý các quy định về bỏ đói, ngược đãi, hành hạ vật nuôi quy định trong điều 29 của luật này. Và mình cần phải nói lại, luật áp dụng cho tất cả các loài động vật được chăn nuôi, không áp dụng riêng với bất cứ loài vậy nào cả.

Vì người Việt không phân biệt chủng tộc, ngay cả với động vật.

Một số người khác, bày tỏ quan điểm rằng: Ăn thịt chó là tiếp tay cho nạn trộm chó 

Có một sự thực không cần chối cãi, hầu hết các vụ chó bị trộm thì gia chủ đều có lỗi. Vì đơn giản một lý do thế này thôi, nếu nuôi nhốt, chuồng trại đều đầy đủ, rọ mõm thì chẳng thằng trộm nào vào tận nhà và bảo:

– Ê mày, tao trộm con chó xíu ha.

Liên minh bảo vệ chó (ACPA), hay những nhà hoạt động vì quyền của chó quên rằng các chủ vật nuôi cũng phải có trách nhiệm phòng truyền nhiễm cho chó, mèo qua Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về việc nuôi nhốt động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp ban hành. Trong đó có các quy định được tóm tắt như sau:

Phải đăng ký nuôi nhốt chó, mèo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Xích, nhốt chó trong khuôn viên gia đình, không làm ảnh hưởng đến người khác. Đưa chó ra ngoài phải đeo rọ mõm, xích và có người dắt.
– Đảm bảo điều kiện thú y, không gây ồn ào đến những người khác.Tiêm thuốc đúng quy định. Chịu mọi chi phí trong trường hợp thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí tiêu hủy, nuôi giữ. Phải đền bù nếu chó, mèo gây hại cho người khác.

Bản thân lên án trộm chó là đúng, nhưng không thể mượn việc lên án trộm chó để cấm ăn thịt chó được. Đó là dạng thức đấu tranh ngụy biện.

Lên án trộm chó, thì phải lên án cả trộm vịt, trộm gà, rồi đưa vào chung một bộ luật kiểu như tăng hình phạt cho các tội danh trộm gia súc, gia cầm. Chứ đừng có tách chó riêng, chỉ lên án mỗi trộm chó mà các loại trộm khác thì thờ ơ, mặc kệ, thì đó là đấu tranh bất bình đẳng, làm tăng mâu thuẫn giữa các loài động vật với nhau.

Thịt chó mà người dân tiêu thụ hiện tại chủ yếu dựa vào thịt chó từ chăn nuôi, từ nhập khẩu thịt chó chính ngạch hoặc nhập khẩu nguyên con. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó, trong đó, báo cáo tháng 10/2018 của Bộ Nông nghiệp cho biết tổng số lượng chó thịt chăn nuôi cả nước vào khoảng 11 triệu con.

Nếu đặt giả sử đúng như các bạn “chó quyền” nói là: Thịt chó chủ yếu đến từ bắt trộm. Vậy mình tạm lấy 80% chó thịt từ trộm chó để đúng với từ “chủ yếu” chẳng hạn. Tính ra mỗi tháng, đội trộm chó cần phải bắt được 300 ngàn con chó. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 ngàn xã/phường/thị trấn, tức là nếu chia trung bình, hàng tháng, mỗi xã/phường/thị trấn ở Việt Nam sẽ bị trộm mất 30 con chó.

Ở Việt Nam, con trâu, mới xứng đáng với vị trí số 1 trong tất cả các loài vật được người Việt chăn nuôi. Từ thi ca, nhạc hoạ, văn hoá dân tộc, con trâu đóng góp trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bậc nhất lịch sử là biểu tượng của một nền văn hoá lúa nước ở hai đầu Việt Nam. Và nó, cũng trở thành linh vật của một kỳ đại hội thể thao lớn nhất mà Việt Nam từng tổ chức.

“Sống trên đời ăn miếng dồi chó/Chết xuống âm phủ, biết có hay không?” – Ca dao xưa.Trâu – cũng là loài vật duy nhất trong văn hóa dân gian Việt Nam coi là “bạn của nhà nông”. Trâu là vật tế, là biểu tượng văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc ít người, là hình tượng của chinh phục tự nhiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói về việc ăn thịt chó: “Thịt chó là món ăn độc đáo của Việt Nam và nhiều nước châu Á, Bác lấy làm lạ thấy có người Việt Nam không biết ăn thịt chó”.

Mình nghĩ thế này, ăn hay không, là quyền của mỗi người, miễn là những gì “đưa vào miệng” không vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, văn hóa là được.

Các bạn “cuồng chó” và “chó quyền” rất hay sỉ nhục những người khác là mọi rợ, là kém văn minh. Nhưng đấu tranh, không phải từ việc sỉ nhục người khác, mà phải bằng phản biện. Và phản biện ấy, phải bằng thực tiễn, số liệu đàng hoàng, luật pháp, căn cứ. Chứ không phải quăng vài ba câu quy chụp như “Ăn thịt chó là mọi rợ”, như thế thì chán chả muốn tranh luận nữa.

Thực chất, có không ít người coi chó Tây mới được coi trọng, còn chó Ta thì (?). Bảo vệ động vật là đúng nhưng hãy bớt “ngáo quyền lực” lại, việc đưa loài chó lên vị trí thượng đẳng không giúp chúng ta văn minh hơn, cũng không giúp chúng ta tiến bộ hơn. Nó thậm chí còn khiến chúng ta đi lùi hơn trong văn hóa ứng xử với tự nhiên – đó là việc “phân biệt chủng tộc trong động vật”.

Muốn sống văn minh, không phải từ việc sống như Tây, mong muốn như phương Tây, dùng tiêu chuẩn phương Tây làm tiêu chuẩn sống. Mà phải hiểu giá trị cốt lõi văn hóa, đất nước, luật pháp tại quốc gia mà mình đang sóng trước đã.

RELATED ARTICLES