Có những thói quen tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra chúng là những “sát thủ” âm thầm ảnh hưởng tới sức khỏe bạn về lâu dài.
Ăn uống là điều thiết yếu trong cuộc sống, tuy nhiên có nhiều thói quen ăn uống xấu nhiều người mắc phải mà không biết. Dưới đây là một số thói quen trên bàn ăn bạn nên sớm từ bỏ, tránh gây hại cho sức khỏe và tuổi thọ.
Ăn quá nhanh: Để tiết kiệm thời gian ăn uống, nhiều người nhất là dân văn phòng thường sẽ ăn xong một bữa chỉ trong vài phút. Bạn ăn uống với tốc độ như vậy sẽ khiến thức ăn không được dạ dày hấp thụ hết, gây khó tiêu, tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Cơ thể không hấp thụ được các chất dinh dưỡng trọn vẹn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Những người ăn quá nhanh, não không kịp phản ứng nên sẽ tiếp tục muốn ăn nhiều hơn để có cảm giác no, làm tăng nguy cơ béo phì.
Bạn nên ăn chậm, nhai kĩ. Trong một nghiên cứu của Nhật Bản, kết quả cho thấy rằng ăn chậm và nhai kĩ có lợi cho việc ngăn ngừa béo phì và kiểm soát cân nặng.
Chỉ chọn ăn thứ mình thích: Đối với những người thường chỉ chọn ăn loại thức ăn mình yêu thích, không ăn uống đa dạng, lâu ngày sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ. Vì vậy, bạn nên ăn đa dạng thực phẩm và kết hợp hợp lý.
Để tiết kiệm thời gian ăn uống, nhiều người nhất là dân văn phòng thường sẽ ăn xong một bữa chỉ trong vài phút (Ảnh minh họa)
Thích ăn đồ nóng: Ăn thức ăn khi nóng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Trong điều kiện bình thường, nhiệt độ của thực quản và khoang miệng gần bằng nhiệt độ cơ thể, nếu thức ăn quá nóng sẽ làm bỏng thực quản và niêm mạc miệng, lâu dài sẽ gây viêm nhiễm, tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Ngoài những thói quen không tốt, một số nghiên cứu cũng chỉ ra những thói quen giúp bạn sống khỏe, lành mạnh.
Nghiên cứu được trình bày tại Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ ngày 24/7. Các nhà khoa học cho biết áp dụng một số thói quen đơn giản, lành mạnh ở tuổi trung niên mang lại lợi ích sức khỏe, từ đó giúp con người sống lâu hơn.
Các thói quen giúp sống thọ hơn bao gồm: hoạt động thể chất, không sử dụng các chất gây nghiện, không hút thuốc, kiểm soát mức độ căng thẳng, giữ chế độ ăn uống tốt, hạn chế uống rượu bia, có giấc ngủ chất lượng, giữ mối quan hệ xã hội tích cực.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thu thập từ hơn 700.000 cựu chiến binh Mỹ, quan sát sự khác biệt về tuổi thọ của họ dựa trên các thói quen sống hàng ngày.
Nhóm chuyên gia nhận thấy áp dụng các thói quen này giúp nam giới sống thêm 24 năm, nữ giới tăng khoảng 21 năm tuổi thọ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng lối sống lành mạnh là rất quan trọng đối với sức khỏe mỗi cá nhân và cả cộng đồng (Ảnh minh họa)
Các yếu tố góp phần làm giảm tuổi thọ bao gồm tập thể dục ít, sử dụng ma túy, hút thuốc. Theo các chuyên gia, các thói quen này làm tăng nguy cơ tử vong từ 30% đến 40%. Căng thẳng, thường xuyên uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu ngủ làm tăng nguy cơ tử vong khoảng 20%.
“Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy tuổi thọ tăng đáng kể nếu áp dụng một, hai, ba hoặc cả 8 yếu tố lối sống”, Xuan Mai Nguyen, chuyên gia khoa học sức khỏe tại Bộ Cựu chiến binh, nghiên cứu sinh tại Đại học Y khoa Carle Illinois, cho biết.
Theo bà, kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng lối sống lành mạnh là rất quan trọng đối với sức khỏe mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Việc sinh hoạt không hợp lý gây ra các bệnh mạn tính như tiểu đường tuýp 2, tim mạch, ung thư, đột quỵ, dẫn đến tàn tật và tử vong sớm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thay đổi lối sống dù đã 40, 50 hoặc 60 vẫn có lợi.