Trang chủBà Rịa - Vũng TàuĐề xuất 'thiến hóa học' tội phạm xâm hại trẻ

Đề xuất 'thiến hóa học' tội phạm xâm hại trẻ

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất mở rộng hình thức “thiến hóa học”, lao động công ích, công khai danh tính tội phạm xâm hại trẻ em. 

Thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em tại Quốc hội sáng 27/5, ông Nguyễn Ngọc Phương nêu đề xuất trên. Biện pháp này được áp dụng ở nhiều quốc gia, người chịu hình phạt sẽ được tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ testosterone trong cơ thể xuống mức trước tuổi dậy thì, giảm nhu cầu tình dục.

Bày tỏ rất buồn về thực trạng trẻ em bị xâm hại thời gian qua, ông Phương nói: “Khi tiếp xúc cử tri, nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em ai cũng rùng mình căm ghét, ám ảnh và mong muốn phải xử lý nghiêm khắc đối tượng này”. Thực tế cho thấy kẻ xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, thậm chí bố xâm hại con, ông nội xâm hại cháu… với thủ đoạn dã man, lặp lại.

“Thi thoảng xã hội lại phải chứng kiến vụ bảo mẫu, thầy cô bạo hành, xâm hại trẻ với hành vi dã man, tàn khốc. Nhiều em cầu cứu, tố cáo, nhưng đâu đó vẫn thiếu vắng cơ chế bảo vệ hiệu quả, khiến chúng ta không khỏi hồ nghi liệu có bao nhiêu trẻ đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật chưa đủ răn đe”, ông Phương nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội .

Vì vậy, cùng với đề xuất “thiến hóa học” tội phạm xâm hại trẻ, ông Phương đề nghị công khai danh tính và ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe, đảm bảo an toàn cho trẻ. “Tôi cho rằng, nếu áp dụng thiến hóa học thì ít nhất có thể giảm một nửa số vụ xâm hại tình dục trẻ em”, ông Phương kỳ vọng.

Đại biểu này cũng đề xuất nhà chức trách nghiên cứu cơ chế phối hợp để khi lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ và ghi hình để dùng làm bằng chứng trước tòa. Những người lấy lời khai phải quan tâm đến tổn thương tâm lý của trẻ. Phòng xử án các vụ xâm hại tình dục phải bố trí thân thiện, đảm bảo bí mật hình ảnh trẻ.

Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết từ năm 2015 đến 2019, đoàn giám sát của Quốc hội đã nghe Chính phủ, các bộ ngành báo cáo và đến giám sát trực tiếp tại 17 địa phương…

Trong gần 4 năm, cả nước xảy ra gần 8.500 vụ với 8.700 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục gần 6.500 vụ, hơn 850 vụ bạo lực. “Trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến với 1.400 trẻ, trung bình mỗi ngày 7 trẻ trở thành nạn nhân”, bà Nga nói và cho rằng tình trạng này phản ánh thực tế người dân có ý thức hơn trong tố cáo hành vi.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, nhiều trẻ bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời để xử lý, nhất là hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất, tinh thần. Có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác. Tình trạng người thân, người quen xâm hại trẻ xảy ra nhiều ở các địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Thọ, Cà Mau… Nhiều nơi có vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái…

Tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra trên cả nước, các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM nhiều nhất.

RELATED ARTICLES