Trang chủHà NộiLàm được điều không ai làm nổi, liệu HAGL còn cơ hội...

Làm được điều không ai làm nổi, liệu HAGL còn cơ hội hồi sinh trong tay bầu Đức?

Suốt cả giai đoạn 2 của V.League 2020, nhà vô địch Viettel chỉ để thua có 1 bàn duy nhất. Bàn thua ấy, họ nhận từ đội bóng gây nhất vọng nhất: HAGL của bầu Đức.

HLV Mourinho đã từng nói: “Nếu thắng 10-0, bạn sẽ hủy diệt một trận đấu. Nhưng nếu thắng 10 trận với tỷ số 1-0, bạn sẽ hủy diệt cả giải đấu”. Đó là câu nói kinh điển đại diện cho triết lý thực dụng đến tàn nhẫn của chiến lược gia người Bồ Đào Nha. Nhưng phải công nhận dưới tay Mourinho, những đội bóng ông dẫn dắt luôn có sự lì lợm, tinh thần cao độ và quan trọng là sự kỷ luật được đặt lên hàng đầu.

Trong kỳ tích của U23 Việt Nam ở Thường Châu năm 2018, U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo vượt qua vòng bảng với trận thắng 1-0 trước U23 Australia, cùng trận hòa 0-0 trước Syria. Tiếp đó, họ lọt vào đến trận chung kết bởi hai trận thắng ở tứ kết và bán kết đều bằng loạt sút luân lưu cân não trên chấm 11m.

Tất nhiên, đối đầu với những đội bóng mạnh hơn mình khá nhiều, U23 Việt Nam của thầy Park không thể giữ sạch mành lưới, nhưng hàng thủ với Bùi Tiến Dũng, Đình Trọng, Văn Hậu… chơi cực kỳ lì lợm, tập trung cao độ và kỷ luật, để rồi chỉ chịu thua U23 Uzbekistan ở những giây cuối cùng của 120 phút thi đấu. Nếu không có khoảnh khắc mất tập trung ấy, chưa chắc họ đã phải nhận ngôi Á quân.

Hàng thủ U23 Việt Nam đem về trận thắng quý giá 1-0 trước U23 Australia.

Triết lý của Mourinho và chiến lược của HLV Park Hang-seo chính là “kim chỉ nam” đưa Viettel lên ngôi vô địch V.League 2020. Ở giai đoạn 2 đầy quyết định, họ chỉ để thủng lưới duy nhất có 1 bàn, giành được đến 5 trận thắng cùng với tỷ số 1-0. Họ “chấp” CLB Hà Nội về hiệu số bàn thắng bại, nhưng chiến thắng trong cuộc đua đến chức vô địch bởi một trận thắng “mong manh” như thế, và cán đích với 2 điểm nhiều hơn đối thủ.

Viettel không thể bì được với CLB Hà Nội về chiều sâu đội hình, sức mạnh tấn công cũng như những nhân tố tạo nên đột biến, nhưng thứ họ trội hơn đối thủ là một hàng thủ dạn dày kinh nghiệm và chơi cực kỳ tập trung ở giai đoạn quyết định của mùa giải. Trong khi CLB Hà Nội phải “lấy công bù thủ” với những sứt mẻ nghiêm trọng ở tuyến dưới, thì Viettel chỉ cần chớp cơ hội thành công, phần còn lại được giao cho hàng phòng ngự “tường đồng vách sắt”.

Nhưng “tấm lá chắn ấy”, suốt 7 trận ở giai đoạn 2 V.League 2020 vẫn bị “thủng” một lần, bởi pha bóng đầy sự tinh ranh và ăn ý của HAGL.

HAGL đã “giải mã” hàng thủ Viettel bằng cách nào? Đầu tiên phải nói đến pha đi bóng tốc độ và kỷ thuật của Văn Toàn, khiến cầu thủ dạn dày kinh nghiệm nhất của đối phương – Trọng Hoàng, buộc phải phạm lỗi ngay trước vòng cấm địa. Ở vị trí đá phạt lý tưởng, Xuân Trường buộc hàng thủ Viettel phải “lạnh lưng” với viễn cảnh vẽ nên cú sút phạt siêu phẩm.

Nhưng không, thay vì kết thúc như thường lệ, tiền vệ người Tuyên Quang chớp cơ hội khi đối phương còn chưa kịp lập xong hàng rào, chuyền bóng cho Văn Thanh băng xuống kết thúc tung lưới. Pha bóng ấy, màn phối hợp giữa Xuân Trường và Văn Thanh là cực kỳ hoàn hảo, khiến Viettel dù có cẩn thận đến mấy cũng phải trả giá.

Sự ăn ý của những cầu thủ chơi bóng từ rất bé với nhau ở học viện HAGL Arsenal JMG là thứ vũ khí quan trọng nhất làm nên bàn thắng ấy, và nó cũng là điều mà bầu Đức trông cậy rất nhiều ở đội bóng phố Núi – vốn được nhấc lên lứa U19 lẫy lừng. Nhưng tất cả chỉ có thế, và HAGL đang “chết” bởi “đặt tất tay” vào điểm mạnh ấy. Và dĩ nhiên điều đó là chưa đủ.

Hàng thủ Viettel khiến đến như CLB Hà Nội cũng phải "khóc chào thua".

Hàng thủ Viettel khiến đến như CLB Hà Nội cũng phải “khóc chào thua”.

Sáu mùa bóng đã trôi qua tính từ ngày Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn… được đẩy lên chơi V.League. Các đối thủ của họ đã “thuộc nằm lòng” điểm mạnh, điểm yếu của HAGL, và không khó để “điều trị” đội bóng của bầu Đức.

Đối lập với sự chắc chắn làm nên chức vô địch của hàng thủ Viettel, hàng thủ của HAGL là một thảm họa thực sự, với đến 36 bàn thua ở mùa giải năm nay. Đấy chẳng phải là điều gì khó hiểu, dù cho hàng thủ ấy có Memovic – hậu vệ hay nhất V.League mùa giải trước. Bởi sự gắn bó ở HAGL chỉ tồn tại giữa các cầu thủ “quen nhau từ nhỏ”, và lối chơi mà bầu Đức áp đặt cho họ thông qua học viện HAGL Arsenal JMG không có định nghĩa “phòng ngự”.

Lại một mùa giải thảm họa nữa trôi đi, người ta lại nói về việc bầu Đức thay tướng, bên cạnh đó là lựa chọn “giải thoát” cho Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… Liệu cơ hội “hồi sinh” của HAGL có còn, khi sau lưng lứa U19 lừng lẫy 6 năm về trước, lứa kế cận của học viện HAGL Arsenal JMG từ lâu đã chẳng còn “xuất xưởng” thêm cầu thủ nào tiệm cận trình độ các đàn anh.

Giờ đây, mọi cánh cửa đang đóng chặt với HAGL. Những HLV tài danh như Kiatisak, Đức Thắng, Phạm Minh Đức, Hữu Thắng hay Hoàng Anh Tuấn… còn lâu mới chấp nhận về “đập đi xây lại” cho bầu Đức. Những chân sút “sao số”, hay những cầu thủ đẳng cấp hàng đầu V.League cũng chẳng dại dột mà về với phố Núi. Còn ngoại binh? Đến như Memovic hay Rimario mà còn chẳng ăn thua, thì còn ai dám đầu quân cho bầu Đức?

Nhưng vấn đề lớn nhất ở HAGL lại là “cái bóng” quá lớn mà lứa U19 ngày nào của bầu Đức tạo ra. Ở mỗi đội bóng mà Mourinho từng dẫn dắt, luôn có sự lì lợm, tinh thần cao độ và quan trọng nhất là kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Trừ Man United. Lý do? Vì “cái bóng” của một Man United huyền thoại quá lớn, chẳng thể dung nạp nổi triết lý “xấu xí” của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha, cho dù ông có từng là HLV giỏi nhất thế giới đi nữa.

Đành chờ xem bầu Đức “tân trang” HAGL thế nào ở mùa bóng mới, chứ một cuộc “đại phẫu” ở đội bóng phố Núi, để thoát khỏi khiếp “đá cho vui” sẽ chẳng bao giờ có đâu.

RELATED ARTICLES