Một chương trình mang tên XCheck cho phép hàng triệu chính khách và người nổi tiếng thoải mái vi phạm chính sách cộng đồng trên Facebook.
XCheck, hay Cross Check (kiểm tra chéo) ban đầu được tạo ra như biện pháp kiểm soát đặc biệt chống lại người dùng có tiếng nói trong xã hội, bao gồm chính trị gia, người nổi tiếng và nhà báo. Ngày nay, XCheck là lá chắn của hàng triệu người dùng VIP, bảo vệ họ khỏi kiểm duyệt của nhân viên Facebook.
Mặc dù Mark Zuckerberg từng tuyên bố Facebook trao cho 3 tỷ người tiếng nói bình đẳng trong mọi vấn đề, một tài liệu cho thấy các tài khoản nằm trong “danh sách trắng” XCheck không gặp trở ngại nào khi đăng tải những nội dung vi phạm chính sách cộng đồng.
Thông thường, những nội dung này có thể khiến người dùng bị khóa tài khoản.
Mark Zuckerberg luôn nói rằng Facebook là nền tảng nơi mọi ý kiến đều bình đẳng, nhưng sự thật có thể không đúng vậy. Ảnh: Facebook
Vào năm 2019, XCheck đã để ngôi sao bóng đá Neymar làm lộ ảnh khỏa thân của một người phụ nữ cho 10 triệu fan hâm mộ, trước khi nội dung trên bị gỡ bởi Facebook. Cô gái này trước đó tố cáo Neymar cưỡng hiếp mình.
Theo tài liệu Wall Street Journal nhận được, nhiều tài khoản trong danh sách trắng từng đăng tải thông tin sai sự thật như vaccine gây tử vong, bà Hillary Clinton che giấu đường dây ấu dâm hay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi người tị nạn là “động vật”. Hiện tại, có ít nhất 5,8 triệu người dùng được bảo vệ với XCheck.
Cách thức hoạt động của XCheck
Người dùng thông thường luôn phải đối mặt với nguy cơ nội dung của mình bị gỡ bỏ vì nhầm lẫn của Facebook. Trong một lần chia sẻ, Mark Zuckerberg từng cho biết 10% nội dung bị gỡ trong năm 2018 không hề thuộc quy định chính sách nào. Nếu điều tương tự xảy ra với tài khoản có lượng theo dõi đông đảo, Facebook sẽ gây ấn tượng xấu với công chúng. Đây là lý do XCheck ra đời.
Neymar đăng ảnh để chứng minh mình vô tội. Ảnh: AFP
Khi hệ thống tự động của Facebook kết luận một người dùng trong danh sách XCheck vi phạm, thay vì bị gỡ ngay lập tức, Facebook sẽ liên hệ với người dùng VIP về nội dung vi phạm và yêu cầu gỡ bỏ trong vòng 24 giờ trước khi nội dung được đội ngũ nhân viên chuyên biệt xử lý.
Một số quyết định gỡ bỏ đòi hỏi sự chấp thuận từ quản lý cấp cao, thậm chí là Zuckerberg hay Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg. Vào tháng 5/2020, ông Trump đăng tải bài viết tuyên bố nổ súng nếu cuộc biểu tình phản đối cái chết của Geogre Floyd có dấu hiệu lợi dụng hỗn loạn để trộm cắp. Hệ thống xem đây là nội dung vi phạm nhưng chính Zuckerberg đã yêu cầu duy trì bài đăng.
Sự chậm trễ trong quy trình xử lý nội dung độc hại có thể để lại thiệt hại rất lớn. Ảnh nóng mà Neymar đăng tải đã tiếp cận 56 triệu người dùng Facebook và Instagram, trước khi bị người kiểm duyệt gỡ bỏ hơn 1 ngày sau đó vì cầu thủ này được XCheck bảo hộ.
Theo một báo cáo vào tháng 12/2020, XCheck đã để những bài đăng vị phạm chính sách thu về ít nhất 16,4 tỷ lượt xem trước khi bị xóa.
Theo tài liệu, người dùng XCheck nhắm đến thỏa mãn tiêu chí như thu hút truyền thông, có sức ảnh hưởng hoặc nổi tiếng. Hầu hết nhân viên Facebook có quyền thêm người dùng vào hệ thống XCheck mà không hề có chỉ dẫn rõ ràng. Điều này dẫn đến việc nhiều tài khoản nhận được đặc quyền không xứng đáng.
Che mắt công chúng
Vào tháng 6, Facebook báo cáo với Hội đồng giám sát Facebook (Facebook Oversight Board) XCheck chỉ được sử dụng cho một số ít trường hợp. Phát ngôn viên Facebook, Andy Stone cho rằng XCheck rất quan trọng khi đối mặt với những nội dung cần tìm hiểu thêm, chỉ ra những thông tin trong tài liệu này đã không còn đúng và lờ đi điều quan trọng nhất rằng Facebook đang nỗ lực kiểm tra thông tin chính xác hơn.
Trái ngược với nhận định trên, bộ tài liệu bao gồm các báo cáo nghiên cứu, thảo luận trực tuyến giữa nhân viên và bản thảo bài thuyết trình trước quản lý cấp cao, trong đó có Mark Zuckerberg. Đây là kết quả làm việc của một đội ngũ chính thức với nhiệm vụ tìm ra hướng cải thiện Facebook. Một phần của bộ tài liệu đã được trình lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) và Quốc hội Mỹ.
Trong tài liệu, những nhà nghiên cứu của chính Facebook xác định ảnh hưởng xấu của nền tảng này lên nhiều vấn đề như sức khỏe tâm lý của trẻ vị thành niên, bàn luận chính trị và buôn bán người. Mặc cho nhiều tai tiếng, Facebook không hề có động thái thay đổi. Trong 5 năm gần đây, Facebook thu về hơn 100 triệu USD và hiện có giá trị hơn 1.000 tỷ USD.
Samidh Chakrabarti, nhân sự cấp cao chuyên giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội của nền tảng từng thừa nhận Facebook đang làm tổn hại nền dân chủ. Ảnh: CBS News
Vấn nạn danh sách trắng
Thay vì xem xét gỡ bỏ, nhiều nhân viên lựa chọn không can thiệp vào hoạt động của những tài khoản VIP, tạo ra vấn nạn danh sách trắng. Trong bảng tổng kết năm 2019, danh sách trắng được xem như mối đe dọa cho công ty và cộng đồng.
Trong một ghi chú nội bộ vào năm 2019, một nhà nghiên cứu của Facebook cho rằng chính nền tảng này đang tiếp tay cho thông tin sai sự thật lan truyền trong cộng đồng và điều này đi ngược lại với giá trị cốt lõi của công ty. Trả lời thông tin trên, Samidh Chakrabarti, Giám đốc xử lý các vấn đề xã hội bày tỏ bất bình trước sự thiên vị trong cách quản lý của Facebook. Nhiều nhân viên khác cũng đồng ý với nghiên cứu.
Kế hoạch khắc phục vấn đề này vào năm 2020 chỉ ra vào thời điểm đó, không đến 10% nội dung thuộc XCheck bị kiểm duyệt. Stone cho biết tỷ lệ này đã tăng trong năm đó nhưng từ chối cung cấp số liệu cụ thể. Mục tiêu Facebook đặt ra là xóa bỏ hoàn toàn danh sách trắng trong nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, bảng báo cáo hồi tháng 3 chỉ ra Facebook đang gặp trở ngại lớn. Một quản lý cho biết danh sách VIP vẫn dài thêm và đề xuất rút quyền thêm người dùng vào XCheck của nhân viên. Thay vì xây dựng một hệ thống riêng cho người dùng VIP, bà đề xuất hướng tiếp cận chậm rãi hơn trước mọi báo cáo vi phạm. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ nhiều lãnh đạo.
Theo Wall Street Journal