Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam đến nay, học sinh – sinh viên đang trải qua kì nghỉ dài chưa từng thấy. Để không ảnh hưởng đến việc học, các trường đành chuyển qua dạy online. Tuy nhiên, đi kèm với đó lại là những màn quậy phá khó có thể bỏ qua của những học sinh vô ý thức.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, xã hội Việt Nam, không chỉ các doanh nghiệp, công sở bị thiệt hại về kinh tế mà các trường học cũng chịu nhiều hệ lụy khi việc dạy và học bị gián đoạn. Để học sinh, sinh viên theo kịp chương trình học, nhiều trường đã tổ chức dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, đi kèm với việc dạy học online này, thầy cô cũng bị nhiều phen đau đầu vì trò quậy phá của các học sinh. Mới đây, trên nhiều trang MXH, các tài khoản Facebook đã bày tỏ nhiều nỗi bức xúc về vấn nạn này:
“Vấn nạn mà chắc hẳn ai đang học online (đặc biệt là zoom) cũng đều gặp phải. Đó là vấn nạn phá lớp học online của người ta. Tại sao lại gọi nó là vấn nạn? Đơn giản là vì cái này không còn là trò nghịch ngợm mất dạy của 1 – 2 cá nhân nữa, mà nó đang thành một trào lưu đang cực kỳ thịnh hành ở rất nhiều group.
Tưởng tượng bạn và rất nhiều con người khác đang say sưa nghe cô thầy giảng, thì bỗng từ đâu ra những “lời răn anh Huấn hoa tử”, những căng cực căng cực của Thiết Phiến Thủ Ngô Bá Khá,… thử hỏi bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chắc hẳn ai cũng sẽ thấy cực kỳ bực dọc. Nó chả khác gì việc bạn và gia đình đang quây quần bên nhau ăn cơm thì có thằng giời ơi đất hỡi nào đó chạy xồng xộc vào nhà và réo gọi cả mả tổ tông nhà bạn vậy.
Thầy cô thì nhiều người thuộc thế hệ trước, nên thường hay mù mờ về công nghệ, nên rất khó kiểm soát lũ này. Thậm chí đã có người phải bật khóc ngay trên lớp học online chỉ vì bị quấy phá. Nghe mà thấy buồn thay.
Tuy nhiên, nói qua phải nói lại. Trách tụi đó 10 thì trách những học sinh, sinh viên share id, pass cho lũ đó 8. Vì nhờ có những con người “ý thức” đó mà lũ đó mới vào phá được.
Thậm chí, có lớp hôm nào cũng xuất hiện ít nhất 2-3 thành phần như vậy. Dù sau đó đã bị block khỏi nhóm nhưng việc làm này đã gây ảnh hưởng cực xấu đến tâm lý học tập của những thành viên còn lại.
Nhiều người tỏ ra khá thích thú và có vẻ đã thành Trend khi các clip cover tương tự xuất hiện đầy trên mạng. Nạn nhân không ai khác chính là những giáo viên và những học sinh muốn nghe giảng bài.
Hình thức học Online khá là mới lạ tại nước ta và được áp dụng trong kỳ nghỉ dịch COVID-19. Nỗi lo của giáo viên và học sinh về kiến thức, cách giảng bài chưa nguôi thì lại xuất hiện một nhóm quấy phá.
Nhiều thầy cô giáo chưa được làm quen với công nghệ, cho nên gặp các những trường hợp như vậy thường khá khó để đối phó. Một số học sinh ý thức kém còn chủ động share ID & Pass phòng học để gọi những người khác vào phá lớp mình.
Rất nhiều ý kiến cho rằng vào phá lớp học người khác rồi khoe lên như chiến tích thể hiện sự vô học và ý thức kém của một số học sinh. Phần đông ý kiến cho rằng hành động bắt chước không suy nghĩ chỉ xuất hiện những loài động vật bậc thấp và chưa tiến hóa. Chứ con người chẳng ai làm như vậy cả.
Ý kiến của một số bạn đọc:
“Mẹ mình làm giáo viên, sáng sớm đã có mấy thằng bố láo nhờ vào phá tiết để đỡ phải học. Chúng nó bật Huấn Hoa Hồng rồi chửi láo liên tục. Chúng nó chửi bậy, chat lag cả cái cái app. Để avatar để vui còn được chứ kiểu này khổ các cô lắm”
“Thôi mọi người đừng chửi nữa. Chửi mấy con khỉ làm xiếc làm gì? Lại mang tiếng ngược đãi động vật”
“Cái bọn vào phá lớp học online người khác như lũ thiểu năng ý, tưởng thế là ngầu”
“Đừng so sánh chúng nó với ĐBGR. Mọi người không thấy cái ĐB bị xúc phạm à?”
Phương án được nhiều người đưa ra là thầy cô sẽ cập nhật chức năng duyệt thành viên trước khi vào lớp, kick bỏ tài khoản xấu, đồng thời yêu cầu học sinh phải điểm danh bằng việc bật camera. Tuy vậy, việc này mất rất nhiều thời gian và công sức của giáo viên. Và đặc biệt nếu bản thân học sinh không tự thay đổi nhận thức thì các lớp học online sẽ phải đối mặt với nhiều trò tai ác hơn.
Đây không phải lần đầu tiên học sinh thi nhau làm hành động xấu để phá lớp trực tuyến. Trước đó, một bộ phận học trò đã cùng nhau đánh giá 1 sao và để lại các bình luận tục tĩu trên phần đánh giá ứng dụng để các app này có nguy cơ bị gỡ bỏ. Chỉ đến khi đại diện các app chia sẻ việc này hoàn toàn không bị ảnh hưởng thì học trò mới ngưng làm hành động này.