“Bắt vợ” cho đến nay vẫn là một phong tục lâu đời của đồng bào Dân tộc H’mông, dân tộc Thái. Nhưng ngày nay khi xã hội đã trở nên văn minh hơn thì phong tục này đã không còn cần thiết nữa nhưng nó vẫn phát triển rất mạnh. Gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội.
Khi nét đẹp văn hóa bị biến tướng
Tục “trộm vợ”, “cướp vợ”, hay có nơi còn gọi là “kéo vợ, bắt vợ” của người H’Mông, người Thái ở Việt Nam được coi là một nét đẹp văn hóa ngày đầu năm mới.
Ở góc độ tích cực, chúng ta có thể nhận thấy rằng phong tục này có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, kế hoạch “bắt vợ” được bàn bạc bí mật, có sự hỗ trợ của anh em, bạn bè, cô bác. Cô gái đi làm nương, chàng trai bất ngờ xuất hiện cùng bạn bè ra sức kéo cô gái về làm vợ. Dù tất cả đều “nằm trong kế hoạch” nhưng cô gái vẫn cố gắng la hét, kêu cứu. Sau đó phía nhà trai sẽ bắt gà làm phép theo như truyền thống rồi đưa cô gái vừa bị “bắt” vào nhà.
Khi mọi chuyện xong xuôi, nếu gia đình cô gái có biết thì mọi sự cũng đã rồi, cha mẹ cô gái chỉ còn biết bấm bụng chấp nhận. Bởi theo quan niệm của họ, nhà trai đã dùng gà làm phép thì con gái mình đã trở thành người nhà khác, chết làm ma nhà người. Kể từ đó nhà mình không có quyền can thiệp vào nữa.
Nhưng đằng sau phong tục vẫn hay được nhắc đến với cái tên mỹ miều là “nét đẹp văn hóa” ấy lại có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với những người chứng kiến và cả những nhà làm Luật. “Bắt vợ” về bản chất không xấu nhưng khi bị biến tướng sẽ trở nên xấu xa vô cùng vì nó thực chất đã tước đi quyền tự do của một người. Tước đi cả quyền được chọn lựa tương lai của những cô gái vùng dân tộc, vốn còn ngây thơ và chưa hiểu rõ ràng về Luật pháp.
Rồi sẽ ra sao nếu những bé gái chỉ mới 15-16 tuổi mà không đồng ý chuyện “ép duyên” hay không hề thích người kia mà bị “bắt” về làm vợ thì ai sẽ cứu cô bé ấy?
Khi mang tiếng “đã bị bắt” về làm vợ, thiếu nữ ấy nếu muốn thoát khỏi nhà trai thì có bị mang tiếng xấu không?
Tương lai của những bé gái còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ đi về đâu?
Những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời. Những nét đẹp văn hóa giờ đây đã bị biến tướng hoàn toàn so với trước và không còn giữ được vẻ đẹp trong sáng như trước nữa. Tất cả đang giống như một vụ phạm pháp được che đậy bởi những “phong tục” mà không ai có thể chạm tới được. Câu nói “phép vua thua lệ làng” giờ đây lại trở nên đúng hơn bao giờ hết, khi hiến pháp giờ đây bị bóp méo dưới bàn tay của những gã trai thôn bản.
Cô gái chống trả khi bị bắt về làm vợ ở Hà Giang (Ảnh : Zing)
How to Share With Just Friends
Đoạn clip 2 em gái sn 2K6 bị đám thanh niên bắt lên xe về làm vợ
Nhưng “phép vua” đâu thể thua “lệ làng”
Tuy các phong tục đều có nét đẹp của riêng chúng nhưng khi mọi chuyện đã xảy ra ngoài khuôn phép, Pháp Luật đành phải ra tay để duy trì vẻ tôn nghiêm. Theo luật pháp nước ta, ”cướp vợ” là hành vi cưỡng ép kết hôn thuộc các hành vi cấm kết hôn được quy định tại Khoản 2, Điều 5, Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Người có hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử lí theo Điều 55, Nghị định 157/2013/NĐ-CP:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”
Việc cưỡng ép kết hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 181, Luật Hình sự 2015:
“Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
“Bắt vợ” vốn là một nét đẹp văn hóa những lại bị biến tướng nhằm phục vụ mục đích không tốt đẹp. Qua những gì được quy định trong luật chúng ta có thể thấy rằng nếu vi phạm pháp luật vì phong tục “bắt vợ” này, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm lên tới 3 năm tù. Đây thực sự là một lời cảnh tỉnh cho những người coi thường sự tôn nghiêm của Luật Pháp!