Trang chủBình DươngCSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi 6,2 triệu đồng cho lỗi...

CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi 6,2 triệu đồng cho lỗi phạt 350.000 đồng

Một người chạy xe Exciter chưa gắn biển số tố bị CSGT Tân Sơn Nhất đòi 6,2 triệu đồng cho lỗi vi phạm này. CSGT sau đó đã rút từ ví của người vi phạm 2 triệu, hẹn khi đưa đủ tiền thì mới trả bằng lái.

Một công nhân tố bị CSGT Tân Sơn Nhất cưỡng đoạt tiền

Ảnh minh họa: Vũ Phượng

Ngày 23.5, anh Thái Đăng Phú (23 tuổi, hiện làm công nhân ở Bình Dương) gửi đơn tố giác đến Báo Thanh Niên về việc bị anh M. – CSGT Tân Sơn Nhất, thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) có hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh.

Mở ví lấy tiền của người vi phạm

Theo anh Phú, 9 giờ ngày 12.5, anh chạy xe Exciter màu đỏ nhám mới mua từ cửa hàng về, đi đến đoạn gần Công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) thì bị tổ công tác của đội CSGT Tân Sơn Nhất dừng xe kiểm tra.

Vì là xe mới mua nên anh Phú chỉ cung cấp được bằng lái xe và biên nhận giao xe của cửa hàng. CSGT tên M. thông báo lỗi phạt không biển số là 6,2 triệu đồng, yêu cầu anh Phú đưa đủ thì sẽ trả lại bằng lái để anh đi. Anh Phú không chấp nhận nên được CSGT này đưa cả người và xe về trụ sở đội ở đường Trần Huy Liệu.

Tại đây, CSGT “hạ giá” còn 6 triệu, anh Phú vẫn không chịu vì anh đi làm công nhân, không đủ tiền. “Anh CSGT nói tôi kêu bạn bè chuyển tiền cho ATM rồi tôi đi rút mang vào cho ảnh. Tôi nói bạn bè đi làm không chuyển được thì ảnh nói chuyển qua internet banking được nhưng tôi vẫn nói không phải ai cũng xài ứng dụng này”, anh Phú kể.

Sau đó, anh Phú được CSGT này đưa qua một phòng riêng không có người, báo mức phạt của lỗi này là 5 triệu đồng. Anh Phú nói không đủ tiền thì CSGT yêu cầu mở ví cho xem.

CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi 6,2 triệu đồng cho lỗi phạt 350.000 đồng - ảnh 1

Anh Phú cho biết anh vi phạm luật giao thông, nhưng không nghĩ CSGT lại đòi phạt quá cao so với Luật đến vậy

Ảnh minh họa: Ngọc Dương

Anh Phú kể: “Tôi mở ví ra, thấy có tiền, CSGT rút ngay 4 tờ 500 ngàn đồng ở ngăn tôi đựng tiền chẵn. Tôi có giằng lại nhưng không kịp. Anh CSGT bảo lấy trước 2 triệu và giữ bằng lái, cho tôi chạy về lấy thêm 3 triệu nữa thì trả lại bằng lái”.

Trước khi ra về, CSGT tên M. bắt anh Phú ký vào 1 tờ giấy nhưng không cho xem nội dung. Anh Phú xin biên bản để đi tiếp nhưng CSGT chỉ cho số điện thoại của mình, nói nếu bị ai bắt thì gọi anh ta sẽ nói giúp.

“Hàng xóm láng giềng cứ tưởng tôi đang bị truy nã” 

Ngày 14.5, anh Phú mang đơn lên Thanh tra Công an TP.HCM để tố giác sự việc và đề nghị hỗ trợ phối hợp để bắt quả tang khi CSGT tên M. nhận số tiền 3 triệu còn lại. Nhưng sau đó, anh Phú được giới thiệu làm việc với một cán bộ của Phòng CSGT đường bộ – đường sắt. Đến chiều tối cùng ngày, anh Phú được gọi xuống làm việc với Đội CSGT Tân Sơn Nhất.

Tại trụ sở, anh Phú làm việc với lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất và anh Phú đề nghị trích xuất hình ảnh từ camera thì được trả lời rằng, camera chỉ lưu dữ liệu được 1 ngày nên không trích xuất được.

Sau đó, anh Phú đề nghị được gặp trực tiếp CSGT tên M. để nói chuyện. Anh M. đã ra gặp xin lỗi và năn nỉ anh Phú bỏ qua sự việc.

CSGT Tân Sơn Nhất bị tố đòi 6,2 triệu đồng cho lỗi phạt 350.000 đồng - ảnh 2

Anh Phú bức xúc vì sau khi tố giác có nhiều công an tìm tới nhà thuyết phục rút đơn

Ảnh minh họa: Độc Lập

“Sau ngày hôm đó, tôi liên tục bị công an tìm tới phòng trọ ở Bình Dương. Không chỉ vậy, công an cũng tìm tới nhà tôi ở Hà Tĩnh để tác động gia đình gọi điện thoại thuyết phục tôi rút đơn. Hàng xóm láng giềng cứ tưởng tôi đang bị truy nã vì tội gì”, anh Phú bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất cho biết đã tiếp nhận sự việc và anh Phú đã tới trụ sở đội làm việc. Thanh tra của phòng cũng đã chuyển các nội dung trình bày của anh Phú về đội.

“CSGT tên M. mới chuyển về đội công tác. Sự việc này đội đang xin ý kiến của Phòng PC08 để xác minh và làm rõ các thông tin liên quan”, lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất thông tin.

Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông (Nghị định 100)

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng;

b) Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

RELATED ARTICLES