HAI VỊ THẦN ĐƯỢC NGƯỜI HOA THỜ PHỤNG ĐỂ GIỮ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH LÀ AI ?

Gia đình vui vẻ, đầm ấm, vợ chồng hoà hợp, tương thân tương ái luôn là một trong những điều quan trọng của việc giữ hạnh phúc gia đình. Trong tín ngưỡng Người Hoa, luôn thờ phụng hai vị thần phù hộ gia đình ấm no, bảo vệ hạnh phúc của các cặp vợ chồng đó chính là HOÀ HỢP NHỊ TIÊN

HOÀ HỢP NHỊ TIÊN (和合貳仙), đọc là “wò hập dìa xín”. Nhị tiên ở đây là hai vị Hàn San (寒山) và Thập Đắc (拾得). Câu chuyện về họ được người đời lưu truyền như sau :

– Hàn San (寒山) còn có tên là Hàn San Tử (寒山子). Là một người theo Phật Giáo đời nhà Đường, từng là một vị hoà thượng giữ việc nhóm lửa, làm tạp vụ tại một ngôi chùa ở núi Thiên Thai (天台). Hàn San có nét giống với Tế Công Phật Sống (濟公祖師 ), một vị hoà thượng rất khác với người thường.

– Thập Đắc (拾得), ông cũng là người nhà Đường, từ nhỏ đã mồ côi. Tương truyền thiền sư Phong Can (封干) ở núi Thiên Thai khi đi đường núi nhặt được một đứa bé ở cạnh đường, liền đem về nuôi tại chùa của mình (chùa nơi có Hàn San sống) cho làm tiểu hoà thượng, đặt tên là “Thập Đắc”.

Hàn San (寒山) và Thập Đắc (拾得) cùng đến một thôn ở phương bắc sống. Tuy khác họ nhưng hai người thân nhau như anh em ruột. Cả hai cùng yêu một cô gái nhưng Hàn San không biết. Đến lúc thành hôn, Hàn San mới biết, vì vậy Hàn San đã bỏ đi đến nơi khác xuống tóc làm tăng, lập am tu hành. Thập Đắc sau khi nghe tin cũng rời bỏ nhà xuống đi tìm Hàn San. Biết được nơi ở của Hàn San, Thập Đắc liền hái một cành sen đến làm lễ. Hàn San biết được không hề chần chừ mà vội bưng một hộp cơm chay ra đón. Hai người vô cùng mừng vui. Thập Đắc cũng xuất gia, hai người khai sơn lập miếu tại nơi đó gọi là Hàn San Tự (寒山寺). Câu chuyện trên được người dân truyền tai để nói về lòng thuỷ chung của 2 vị thần này.

Hoà Hợp Nhị Tiên còn có tên gọi là 荷盒貳仙 (đọc là “hò hập dìa xín) . Đấy là bởi một người cầm hoa sen gọi là “Hà – 荷" đồng âm với “Hoà – 和" lấy ý nghĩa là “hài hoà”. Một người bưng hộp gọi là “hạp – 盒" đồng âm với “hợp – 合" lấy ý nghĩa “hảo hợp”. Đầu đời Thanh, hai vị bắt đầu được thờ phụng và gọi là “Hoà Hợp nhị tiên”.

Ngày nay, vì hai vị là thần hoan hỷ nên chúng ta không khó có thể bắt gặp HOÀ HỢP NHỊ TIÊN, người Hoa hay những người am hiểu văn hoá thường treo tranh “Hoà Hợp Nhị Tiên” ở chính giữa nhà mong được vạn sự hài hoà, đại cát đại lợi. Tranh cũng thường được treo lúc hôn lễ, tượng trưng phu thê bách niên hảo hợp, vĩnh kết đồng tâm. Khi trong nhà có chuyện lục đục, cãi vã thì mua đồ đến cúng hai ngài, cầu cho hạnh phúc, bền chặt. Còn trong dân gian, tranh tết, lì xì Tết lấy đề tài “Hoà Hợp Nhị Tiên” cũng rất nhiều. Một biểu tượng khác của hai vị là câu liễn 4 chữ "和氣生財”, nghĩa là Hoà Khí Sinh Tài.

Tại Chợ Lớn, cũng có nơi thờ hai vị Hoà Hợp Nhị Tiên đó là Chùa Quan Âm – Hội Quán Ôn Lăng (12 đường Lão Tử, phường 11, quận 5), giữa khám thờ Văn Xương Đế Quân (文昌帝君) và Hoa Phấn Phu Nhân (花粉夫人)


– CHỢ TRỜI Ở CHỢ LỚN – CHOLON CONFESSIONS