Hoạn quan trong lịch sử đa phần đều gắn liền với hình tượng xấu nhưng thực tế cũng có không ít những hoạn quan tốt bụng, ra tay bảo vệ kẻ yếu.
Cố ý đọc sai 1 chữ trong thánh chỉ, vị hoạn quan tốt bụng cứu sống cả nghìn người vô tội. Ảnh minh họa
Trong xuyên suốt lịch sử cổ đại Trung Quốc, hình tượng hoạn quan đa phần đều dập khuôn với sự tàn nhẫn, tham lam, xu nịnh hay ức hiếp kẻ yếu. Tuy nhiên, thực tế luôn có những ngoại lệ và trong sử sách có ghi lại một vị hoạn quan vì thương xót kẻ vô tội đã cố tình phát âm sai một chữ khi đọc thánh chỉ của hoàng đế. Cuối cùng, hoạn quan này đã cứu sống được hàng nghìn người, có thể nói là công đức vô cùng lớn.
Người này là Trương Cư Hàn, một hoạn quan sinh năm 858, vào giai đoạn cuối của triều đại nhà Đường, từ nhỏ đã được đưa vào cung làm thái giám vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó.
Thời điểm đó, các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng lên ở khắp nơi đe dọa sự thống trị của nhà Đường.
Năm 907, tiết độ sứ của nhà Đường là Chu Ôn giết Đường Chiêu Tông, xưng làm hoàng đế của triều đại Hậu Lương, nhà Đường sụp đổ.
Lý Khắc Dụng, danh tướng cuối đời nhà Đường, khi đó không thuận theo chính quyền mới của Chu Ôn, nên tách ra tự lập chính quyền riêng, xưng làm Tấn Vương.
Trương Cư Hàn trở thành phụ tá đắc lực được Lý Khắc Dụng hết sức tin tưởng vì tinh thần trọng nghĩa và thái độ chân thành.
Sau khi Lý Khắc Dụng qua đới, Lý Tồn Úc thừa kế sự nghiệp. Lý Tồn Úc có tài năng quân sự xuất sắc, sau khi phá được Hậu Lương, ông dời đô về Lạc Dương tiến xưng hoàng đế, lập nhà Hậu Đường, hiệu là Đường Trang Tông.
Sau khi lên ngôi, Đường Trang Tông bổ nhiệm hoạn quan Trương Cư Hàn làm xu mật sứ, chịu trách nhiệm chính về quân sự, chính trị và tuyên cáo mệnh lệnh của hoàng đế.
Quân đội Hậu Đường sĩ khí dâng cao, Đường Trang Tông tiếp tục mở cuộc tấn công chinh phạt nước Thục. Vua Thục là Vương Diễn biết không thể chống lại sức mạnh quân Hậu Đường nên chủ động mở thành đầu hàng và được Đường Trang Tông tha chết.
Tuy nhiên, nhà Hậu Đường sau đó đối mặt với những cuộc nổi dậy ở Nghiệp Đô. Đường Trang Tông lo lắng rằng Vương Diễn và hậu duệ sẽ nhân cơ hội để nổi dậy, là mầm họa đe dọa đến chính quyền của ông trong tương lai.
Do đó, Đường Trang Tông đã hạ thánh chỉ giết Vương Diễn cùng toàn bộ thân quyến, phe phái của ông, ngay cả các quan lại, người hầu trước đây của nhà Thục cũng không tránh khỏi tai họa.
Trương Cư Hàn tin rằng Vương Diễn đã hàng, các thuộc hạ của ông ta vô tội, nên không nhẫn tâm chứng kiến nhiều người bị lạm sát như vậy.
Do đó, vào thời điểm tuyên thánh chỉ, ông đã đánh liều thay đổi một chữ, thay vì “giết Vương Diễn và phe phái của hắn” thành “giết Vương Diễn và gia tộc của hắn”. Nhờ đó, Trương Cư Hàn đã cứu được tính mạng của hàng nghìn người vô tội.
Tuy rằng can thiệp vào thánh chỉ của triều đình cũng không thể thoát khỏi án tử hình nhưng Đường Trang Tông khi đó đang bận chinh chiến và tử trận nơi chiến trường, nên không ai truy cứu tội của Trương Cư Hàn.
Sau khi, Lý Tự Nguyên dẫn quân tiến vào Lạc Dương, xưng làm Đường Minh Tông, Trương Cư Hàn tự nguyện xin từ chức về quê và được ban thưởng chấp thuận. Ông an hưởng tuổi già đến năm 71 tuổi, độ tuổi được coi là thất thập cổ lai hi.