Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã cho phép 3 máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Lion Air trở lại bầu trời.
Ba chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Indonesia Lion Air đã bị yêu cầu tạm ngừng khai thác vào ngày 6-1 để kiểm tra.
Theo Reuters, trong một thông báo mới hôm 18-1, Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết yêu cầu tạm ngừng bay này đã được dỡ bỏ từ hôm 11-1.
Một công nhân đi ngang qua chiếc Boeing 737 MAX-9 đang được chế tạo tại xưởng của Boeing ở TP Renton, bang Washington – Mỹ – Ảnh: REUTERS
Các cuộc kiểm tra của nước này cho thấy thiết kế của các máy bay Boeing 737 MAX 9 của Lion Air khác với những chiếc mà hãng Alaska Airlines của Mỹ sở hữu.
Cụ thể hơn, máy bay của Lion Air có cửa thoát hiểm loại II ở giữa cabin.
Trong khi đó, như các thông tin mà phía Mỹ từng đưa ra, máy bay của hãng Alaska Airlines không có cửa thoát hiểm ở giữa thân máy bay. Thay vào đó, một mảnh thân máy bay bình thường được gắn vào khu vực mà phần khung máy bay chừa sẵn một lỗ trống hình chữ nhật.
Lỗ trống này vốn là phần thiết kế tùy chọn. Tùy theo nhu cầu của hãng hàng không mua máy bay, nó sẽ được lắp cửa thoát hiểm hoặc bịt lại.
Các cuộc kiểm tra của Alaska Airlines và nhà sở hữu Boeing 737 MAX 9 khác ở Mỹ phát hiện các bu-lông lỏng lẻo ở vị trí các mảnh thân được lắp vào để bịt lỗ trống này.
Chính một mảnh thân như thế đã bị bung ra giữa trời trong chuyến bay hôm 5-1 của Alaska Airlines, là nguyên nhân chính khiến Boeing 737 MAX 9 bị Mỹ yêu cầu tạm ngừng bay vô thời hạn để kiểm tra.
Lion Air trong quá khứ cũng từng gặp sự cố thảm khốc với dòng Boeing 737 MAX.
Trong vụ tai nạn xảy ra ngày 29-10-2018, chuyến bay mang số hiệu J610 của Lion Air, sử dụng một chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8, đã lao thẳng xuống vùng biển ngoài khơi Jakarta – Indonesia, khiến 189 người thiệt mạng.
Nguyên nhân máy bay rơi được xác định là do lỗi hệ thống MCAS khiến máy bay mất cân bằng. Lỗi này sau đó đã được sửa chữa và Boeing 737 MAX 8 được phép bay lại sau 20 tháng bị tạm ngừng khai thác.