Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị cân nhắc việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục.
Bộ Nội vụ cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, đề nghị xem xét bảo đảm lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định.
Cụ thể, cử tri địa phương này đề nghị cân nhắc việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục; đồng thời thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giảm biên chế viên chức giai đoạn 2022-2026 theo hướng chia theo từng khu vực, miền và không cào bằng.
Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ khẳng định tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện.
Cụ thể, phải bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không giảm số lượng người làm việc) so với năm 2021 (không bao gồm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) theo Kết luận số 28/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Bộ Chính trị cũng đã phê duyệt biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng địa phương đến năm 2026, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.
Đối với biên chế giáo viên, để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Theo đó Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026, trong đó năm học 2022 -2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên, năm học 2023 -2024 bổ sung 27.826 biên chế giáo viên.