Ngày 22/5, Phòng Y tế huyện Đức Trọng ra thông báo cảnh báo hoạt động kiểm tra của các cá nhân giả danh nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Theo đó, hiện nay, qua thông tin phản ánh của người dân, một số cá nhân giả danh cơ quan nhà nước kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Phòng Y tế huyện Đức Trọng thông tin đến người dân về các hoạt động gây hoang mang trong cộng đồng trong thời gian gần đây là lừa đảo, nhằm mục đích làm cho người dân đưa tiền cho các đối tượng để nộp tiền phạt, nộp tiền mua sách, tài liệu hướng dẫn…

Nếu phát hiện hoạt động kiểm tra giả danh nhà nước, đề nghị các tổ chức đoàn thể, các địa phương và người dân nâng cao cảnh giác và thông tin ngay đến chính quyền địa phương, công an địa phương để kịp thời xử lý.

Phòng Y tế hướng dẫn quy trình kiểm tra của ngành y tế để người dân biết, so sánh và nâng cao kiến thức trong hoạt động kiểm tra về đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Đức Trọng, cụ thể như sau:

Căn cứ Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 01/12/2015 của Bộ Y tế về Quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế,

1. Cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm:

Tại Điều 4 Thông tư số 48/2015/TT-BYT quy định:

a) Cục An toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước.

b) Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

c) UBND huyện, Phòng Y tế thuộc UBND huyện chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.

d) UBND xã, thị trấn, Trạm Y tế xã chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn xã.

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra về an toàn thực phẩm ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra. (Công chức thực hiện việc kiểm tra có đeo thẻ bảng tên và ghi rõ chức vụ).

Tại Điều 8 Thông tư này: Cơ quan kiểm tra không phải thông báo trước việc kiểm tra cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

2. Nội dung kiểm tra:

Tại Điều 6 Thông tư số 48/2015/TT-BYT, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố:

a) Kiểm tra hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc diện cấp giấy), Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

b) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân viên; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn nước; nguồn gốc xuất xứ đối với thực phẩm và nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm; lưu mẫu; các quy định khác có liên quan;

c) Lấy mẫu thức ăn, nguyên liệu thực phẩm để kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết.

3. Trình tự kiểm tra

Tại Điều 9 Thông tư số 48/2015/TT-BYT quy định:

1. Ban hành quyết định kiểm tra:

Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm ban hành quyết định kiểm tra gồm các nội dung sau: Địa bàn và phạm vi kiểm tra, hình thức kiểm tra (kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất), thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra, nhiệm vụ của đoàn kiểm tra. Quyết định kiểm tra được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 48/2015/TT-BYT.

2. Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra theo trình tự sau đây:

a) Công bố quyết định kiểm tra với đối tượng kiểm tra;

b) Tiến hành kiểm tra theo các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này;

c) Lập biên bản kiểm tra: 

d) Báo cáo kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

đ) Ra quyết định xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có sai phạm, đoàn sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và trình UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (trong thời hạn 7 ngày làm việc) với đối tượng vi phạm.

Sau khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm đến ngân hàng để đóng phạt theo như quyết định xử phạt đã nêu; không đóng tiền phạt trực tiếp cho công chức thi hành nhiệm vụ.

N.Minh (Báo Lâm Đồng)

Nguồn: http://baolamdong.vn/phap-luat/202305/canh-bao-hanh-vi-gia-danh-co-quan-nha-nuoc-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-de-lua-dao-26f1352/

The post Lâm Đồng: Cảnh báo hành vi giả danh cơ quan nhà nước kiểm tra an toàn thực phẩm để lừa đảo appeared first on Click49.