Chiều 14/9, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Lợi đã ký ban hành văn bản quy định 3 phương án dạy học năm học 2021-2022 đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Giáo viên Lâm Đồng tập huấn chương trình giáo dục mới áp dụng năm học 2021-2022

PHƯƠNG ÁN 1: DẠY HỌC TRỰC TUYẾN

Áp dụng tại các cơ sở giáo dục và những học sinh thuộc địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cao (dân cư tập trung đông, mật độ giao thông nhiều, có chợ đầu mối…) gồm: TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc; trung tâm, thị trấn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai; các cơ sở giáo dục nằm dọc trên đường Quốc lộ 20.

Đối tượng áp dụng là cấp tiểu học, gồm lớp 3, lớp 4 và lớp 5; cấp THCS, THPT, gồm từ lớp 6 đến lớp 12 và học sinh (từ lớp 3 đến lớp 12) đang thực hiện cách ly y tế theo quy định của ngành y tế.

Hình thức tổ chức: chỉ tổ chức dạy học trực tuyến đối với một số môn cơ bản gồm: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Âm nhạc (đối với tiểu học); Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí, môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí (đối với THCS, THPT), môn Giáo dục công dân lớp 12.

Việc triển khai dạy học trực tuyến, nội dung bài học đảm bảo các kiến thức trọng tâm, cốt lõi môn học và chủ động, linh hoạt trong phân công giáo viên, bố trí tiết dạy, thời lượng dạy. Nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai, phân công giáo viên giảng dạy, thông báo cụ thể thời khóa biểu cho học sinh và phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh quản lý việc học tập của con em tại nhà đảm bảo an toàn.

Nếu học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, các cơ sở giáo dục tiến hành khảo sát thực tế để tổ chức dạy học theo các cách sau: Tổ chức thành các nhóm học sinh (không quá 5 học sinh/nhóm) gần nhà các học sinh có điều kiện học trực tuyến để cùng tham gia học trực tuyến; phân công giáo viên, phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý việc học tập và đảm bảo an toàn của học sinh. Mặt khác, tận dụng cơ sở vật chất của nhà trường để tập trung học sinh đến trường và chia ra các lớp (tối đa 12 học sinh/lớp) để học trực tuyến. Nhà trường phân công giáo viên quản lý, hỗ trợ học trực tuyến.

Đối với những học sinh đang thực hiện cách ly y tế theo quy định của ngành y tế, khi thực hiện cách ly y tế tập trung cần được sắp xếp, bố trí học sinh cùng khối lớp ở cùng phòng để tham gia học trực tuyến; các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban quản lý khu cách ly chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, thông báo lịch học, gửi đường link để đảm bảo cho học sinh học trực tuyến trong thời gian cách ly y tế.

Những khu cách ly tập trung không đáp ứng được điều kiện học trực tuyến, các cơ sở giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch bổ sung nội dung kiến thức cho học sinh khi quay lại trường để đảm bảo chương trình môn học.

Khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nhà trường thông báo lịch học cụ thể để học sinh học trực tuyến. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể để dạy các môn học chưa tổ chức dạy trực tuyến, củng cố kiến thức, kiểm tra, đánh giá khi học sinh quay lại trường.

PHƯƠNG ÁN 2: DẠY HỌC QUA TRUYỀN HÌNH

Khu vực áp dụng gồm các cơ sở giáo dục và những học sinh thuộc địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cao (dân cư tập trung đông, mật độ giao thông nhiều, có chợ đầu mối…), gồm TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc; trung tâm, thị trấn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai; các cơ sở giáo dục nằm dọc trên đường Quốc lộ 20.

Đối tượng áp dụng gồm: Cấp tiểu học (lớp 1 và lớp 2 – học các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh); cấp THCS, THPT, từ lớp 6 đến lớp 12 (hỗ trợ thêm cho học sinh trong thời gian học trực tuyến); học sinh (từ lớp 3 đến lớp 12) đang thực hiện cách ly y tế theo quy định của ngành y tế.

Hình thức tổ chức, những học sinh đủ điều kiện học qua truyền hình: Các cơ sở giáo dục cập nhật và thông báo lịch học cụ thể môn học theo từng khối trên truyền hình để học sinh học tập. Phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý việc học tập và đảm bảo an toàn của các em. Đối với cấp THCS, THPT: Nhà trường cập nhật và thông báo lịch học cụ thể môn học theo từng khối của các kênh truyền hình trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại đường link https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/lich-hoc-truc-tuyen.aspx để hỗ trợ học sinh học tập.

Các kênh truyền hình hiện tại đang triển khai gồm: Lớp 1 và lớp 2, các môn Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh là VTV7, HTV4, ĐN1, ATV, TRT; cấp THCS gồm các môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí: chương trình lớp 6 kênh TRT; Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn chương trình lớp 9 kênh BTV; cấp THPT gồm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh chương trình lớp 12 kênh BTV.

Những học sinh không đủ điều kiện học qua truyền hình, Sở yêu cầu nhà trường chỉ đạo giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh giao bài học qua hệ thống tin nhắn như: Zalo, facebook, viber, phiếu bài tập… hỗ trợ con em học tại nhà.

Đối với những học sinh đang thực hiện cách ly y tế theo quy định của ngành y tế: Khi thực hiện cách ly y tế tập trung, sắp xếp, bố trí học sinh cùng khối lớp ở cùng phòng để tham gia học qua truyền hình; các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban quản lý khu cách ly chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, cập nhật và thông báo lịch học qua truyền hình để đảm bảo cho học sinh học tập.

Những khu cách ly tập trung không đáp ứng được điều kiện học qua truyền hình, các cơ sở giáo sẽ xây dựng kế hoạch bổ sung nội dung kiến thức cho học sinh khi quay lại trường để đảm bảo chương trình môn học.

Khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nhà trường thông báo cụ thể lịch học để học sinh học qua truyền hình. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể để dạy các môn học không tổ chức dạy trên truyền hình, củng cố kiến thức, kiểm tra, đánh giá khi học sinh quay lại trường.

PHƯƠNG ÁN 3: DẠY HỌC TRỰC TIẾP

Khu vực áp dụng là các cơ sở giáo dục và học sinh thuộc địa phương không thuộc khu vực áp dụng ở phương án 1 (các xã, huyện thuộc mức độ bình thường mới theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG).

Đối tượng gồm học sinh từ cấp mầm non đến cấp THPT.

Hình thức tổ chức, cấp tiểu học: Các cơ sở giáo dục chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Tùy theo số lượng học sinh, số lớp, hiệu trưởng sắp xếp các buổi học phù hợp đảm bảo mỗi buổi không quá 50% tổng số học sinh toàn trường; trong đó, ưu tiên lớp 1 và lớp 2 học buổi sáng. Cấp THCS, THPT: Các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học đối với hoạt động dạy học chính khóa. Các hoạt động ngoại khóa, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi… thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cũng lưu ý các cơ sở giáo dục chỉ được tổ chức dạy học trực tiếp khi có văn bản cho phép của UBND các huyện, thành phố. Mặt khác, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và gửi Phòng Y tế các huyện, thành phố thẩm định.

Năm học 2021-2022 chính thức khai giảng và tựu trường vào ngày 15/9. Bắt đầu năm học mới từ ngày 20/9.

Đối với các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp: Từ ngày 15/9 đến trước 20/9, tập trung học sinh để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho năm học mới.

Đối với các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình: Từ ngày 15/9 đến trước ngày 20/9, nhà trường chỉ đạo giáo viên kết nối với học sinh và cha mẹ học sinh để triển khai những nội dung cần thiết chuẩn bị công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Minh Đạo (Báo Lâm Đồng, 14/09/2021)

Nguồn: http://baolamdong.vn/xahoi/202109/lam-dong-trien-khai-3-phuong-an-day-hoc-nam-hoc-2021-2022-3078836/

The post Lâm Đồng triển khai 3 phương án dạy học năm học 2021 – 2022 appeared first on Click49.