Trang chủĐà NẵngLàm thế nào để tổ chức cứu trợ hiệu quả?

Làm thế nào để tổ chức cứu trợ hiệu quả?

“Chính quyền cung cấp thông tin và cùng nhóm cứu trợ đi phát quà. Bên tặng sẽ biết quà vào tay ai, chính quyền cũng giúp cho hàng đến được nơi cần thiết”, chị Thùy Minh nói.

Tranh thủ lúc nước lũ rút, thầy Nguyễn Lưu Niệm cùng đồng nghiệp trở lại trường THCS Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, thì mọi người đều bàng hoàng với cảnh tượng trước mắt.

Bùn ngập sân trường và phòng học, cây cối, bê tông, rác đổ về chất thành đống. Bàn ghế ngổn ngang, cửa kính vỡ, cửa gỗ gãy… Khung cảnh hệt như một bãi chiến trường.

Không riêng gì trường học, nhà cửa người dân đều tan hoang sau lũ. Cây cối, hoa màu hư hỏng, vật nuôi chết la liệt. Việc khắc phục thiệt hại, sắp xếp lại mọi thứ để ổn định cuộc sống của bà con miền Trung là câu chuyện còn nhiều gian nan.

“Giúp dân tái thiết cuộc sống”

15 ngày qua, anh Trần Đăng Vinh (30 tuổi, ở Đà Nẵng, người sáng lập Biệt đội canô 0 đồng) cùng hơn 30 người trong đội đã đi từ tỉnh Quảng Trị ra Quảng Bình, vào tận những ngóc ngách, nơi xa xôi để cứu hộ, cứu nạn cho bà con.

Anh Trần Đăng Vinh (nón đen) cùng thành viên Biệt đội canô 0 đồng đi thuyền vào tận nhà dân để phát quà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh cho biết hiện đội đã rút lực lượng về dưỡng sức để lên phương án hỗ trợ bà con sau lũ, nhưng vẫn cử vài người cùng với canô ở lại Quảng Bình trực chiến.

“Anh em tiếp tục vào các thôn sâu còn lại để hỗ trợ bà con và chờ diễn biến thời tiết để kịp thời lên phương án ứng cứu”, anh cho hay.

Nói về tình hình các đội thiện nguyện cứu trợ miền Trung, anh Vinh cho biết những ngày này, có rất nhiều đoàn mang tấm lòng về cho bà con vùng lũ. Những đoàn xe nối tiếp nhau vận chuyển hàng về cho người dân. Song, một thực trạng phổ biến là nhiều vùng sâu, vùng xa vẫn chưa nhận được sự cứu trợ.

Theo “cha đẻ” của Biệt đội canô 0 đồng, đội của anh là một trong những đơn vị tiếp cận cứu hộ bà con ở vùng ngập nặng sớm nhất. Khi hình ảnh và thông tin được đăng tải trên Facebook, cộng với truyền thông đưa tin, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện sau đó tiếp tục chọn những nơi này để cứu trợ.

Bên cạnh đó, các đoàn cứu trợ cũng không có đầy đủ phương tiện như canô, thuyền để đi đến nơi xa xôi. Điều này dẫn tới việc nơi nhận được quá nhiều hàng cứu trợ, nơi thì ít ỏi, thậm chí không có.

“Một số thôn ở các vùng như Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình), vùng đồng bào dân tộc ở trên núi khó tiếp cận vì xa, ít được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông nên không nhiều người biết. Mình luôn muốn hướng các đoàn lên các vùng trên đó vì các vùng dưới này cứu trợ trùng lặp rất nhiều. Hay như Hà Tĩnh, nằm ở vị trí khá xa nên theo tôi biết địa phương này mọi năm đều chịu lũ lụt nặng nề nhưng các đoàn về rất ít. Rất mong mọi người quan tâm đến Hà Tĩnh nhiều hơn”, anh Vinh mong mỏi.

Chín năm tham gia cứu hộ, cứu trợ lũ lụt và hỗ trợ bà con sau thiên tai, anh Vinh cho biết sau lũ, người dân gần như mất trắng nên thiếu thốn mọi thứ. Tuy vậy, theo anh, các đoàn thiện nguyện không cần thiết phải cho bà con quá nhiều thức ăn.

“Người dân không đến mức thiếu ăn, họ cần tiền để ổn định cuộc sống. Có lẽ không bao nhiêu là đủ nhưng hỗ trợ tiền là một trong những điều thiết thực nhất. Gia đình có con em còn đi học, tập vở sau lũ hư hỏng hết nên phải sắm sửa mới có thể đến trường trở lại. Hỗ trợ người dân sau lũ là một câu chuyện dài cần phải tính toán”, người sáng lập Biệt đội canô 0 đồng bày tỏ.

Chị Thùy Minh (34 tuổi, ở TP.HCM) cũng là người dẫn đầu một nhóm 50 thành viên thường xuyên cứu trợ cho đồng bào miền Trung.

Theo chị, trong khi lũ thì người dân cần lương thực, thực phẩm, thuốc men, đèn pin, dầu gió… Nhưng hậu lũ, có vô số vấn đề lớn cần giải quyết từ môi trường, y tế, sức khỏe, dụng cụ học tập…

“Nhà cửa người dân bị sập, hư hỏng cần phải sửa chữa. Trường học tan hoang cần sớm dọn dẹp. Rồi lắp đặt hệ thống lọc nước sạch sau lũ cho bà con… Những đội, nhóm thiện nguyện cần quan tâm giúp đỡ người dân sau lũ để họ sớm tái thiết cuộc sống”, chị Minh chia sẻ.

Phối hợp thế nào với chính quyền?

Chị Thùy Minh thừa nhận tình trạng nơi nhận quá nhiều, nơi không có hầu như năm nào cũng xảy ra. Hôm cứu trợ ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), có nhiều bà con bật khóc và cho biết nhiều ngày qua chưa có đoàn nào vào tiếp tế cho họ.

Nhiều người làm thiện nguyện cho rằng việc phối hợp giữa chính quyền và đơn vị cứu trợ là cần thiết. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nhiều người làm thiện nguyện cho rằng việc phối hợp giữa chính quyền và đơn vị cứu trợ là cần thiết. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nói về việc kết hợp với chính quyền địa phương, chị Minh cho rằng đây là điều cần thiết và nên làm vì địa phương sẽ nắm thông tin rõ nhất để cung cấp và khi có chính quyền, việc phát hàng cứu trợ cũng nhanh chóng.

Chị nhấn mạnh đội, nhóm thiện nguyện cũng phải phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm với hàng cứu trợ của mình.

“Không phải cứ đến giao cho chính quyền rồi bỏ đi mà không biết chính quyền giải quyết có đúng hay không. Cách tốt nhất theo tôi là chính quyền cung cấp thông tin và cùng nhóm cứu trợ đi phát thực tế. Cá nhân bên giúp đỡ sẽ biết nguồn hàng đi đâu về đâu và chính quyền cũng giúp cho hàng đến được nơi cần thiết”, chị Minh chia sẻ.

Còn với anh Trần Đăng Vinh, những đợt cứu trợ người dân, anh cũng phối hợp với chính quyền địa phương và kết hợp thêm nhiều thanh niên ở nơi đó để nắm thông tin về các hộ dân cần hỗ trợ. Anh Vinh cho rằng việc kết hợp với địa phương là điều tốt.

“Liên hệ với địa phương cũng tốt để mình biết nơi nào chưa được cứu trợ. Nhưng đa số các đoàn muốn trực tiếp phát thì có thể xin thông tin thêm từ địa phương để nắm được nơi nào chưa có. Mình dùng thông tin với tính chất tham khảo, rồi khảo sát thêm một lần nữa”, người sáng lập Biệt đội canô 0 đồng nói.

RELATED ARTICLES