BỉCộng đồng mạng đang phản ứng dữ dội với hình ảnh 19 học sinh tại Bỉ đội nón lá, giơ biển hiệu “Corona Time”, buộc trường phải đóng Facebook, Instagram.

Ngày 11/3, Facebook và Instagram chính thức của trường Sint-Paulus Campus College Waregem (Bỉ) đăng hình ảnh 19 học sinh mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc, đội nón và giơ tấm biển ghi “Corona time” (Thời của corona). Trong ảnh, có hai học sinh hoá trang thành gấu trúc. “Một nữ sinh ở hàng giữa thậm chí dùng tay kéo hai khoé mắt, cử chỉ được cho là chế giễu, xúc phạm người gốc châu Á”, Independent bình luận.

Hình ảnh 19 học sinh đội nón lá, cầm bảng “Corona Time” đăng trên tài khoản Instagram của trường trước khi bị gỡ xuống. Ảnh: Broodje Kaas Met Sambal

Broodje Kaas Met Sambal, người sinh hoạt trong cộng đồng chống phân biệt chủng tộc châu Á ở Hà Lan, đã chụp lại màn hình và đăng lên tài khoản Instagram của mình. Sau một ngày, bài viết nhận được gần 5 nghìn lượt quan tâm, 2 nghìn bình luận.

Hình ảnh của trường Sint-Paulus Campus College Waregem ngay lập tức vấp phải chỉ trích gay gắt của cộng đồng mạng. Trường này sau đó âm thầm gỡ hình ảnh khỏi các tài khoản mạng xã hội mà không đưa ra lời giải thích nào. Trước làn sóng phản ứng dữ dội, cả Facebook và Instagram chính thức của trường Sint-Paulus Campus College Waregem đã phải tạm đóng.

“Là tổ chức giáo dục, trường học có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai. Việc họ chấp nhận hành vi phân biệt chủng tộc và quảng bá trên các kênh truyền thông của mình là vô trách nhiệm và vấn đề nghiêm trọng cần phải xử lý”, Broodje Kaas Met Sambal viết.

Hình ảnh của học sinh trường Sint-Paulus Campus College Waregem vẫn gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Trong khi một số người cho rằng đây chỉ là một cách để nâng cao nhận thức của cộng đồng về Covid-19, phần lớn người dùng mạng xã hội lại tỏ ra bức xúc và kêu gọi tẩy chay hành động này. “Hãy nhìn thái độ cười đùa của họ, rõ ràng đây là hành động phân biệt chủng tộc xấu xí, đáng buồn hơn nó lại được thực hiện bởi một nhóm học sinh”, tài khoản Nebianninja bình luận.

Nhiếp ảnh gia gốc châu Á, Rui Jun Luong đang sống ở Hà Lan, nói: “Không thể tin được, một trường học với khẩu hiệu: Trái tim ấm áp, cái nhìn tươi mới, tâm trí cởi mở lại có thể đăng tải hình ảnh như vậy”. Bài viết của Luong thu hút hàng nghìn lượt bình luận và hơn 600 lượt chia sẻ. Trong phần cập nhật, Rui Jun Luong nói phía trường học đã liên hệ và nhờ gỡ bài viết. Tuy nhiên theo Luong, đây không thể coi là một trò đùa. “Đây là một cuộc tấn công, là sự phân biệt chủng tộc, chế giễu văn hóa của người châu Á và không hề vui”. 

Ngoài hình ảnh gây tranh cãi của trường Sint-Paulus Campus College Waregem. Những video về phân biệt người châu Á trong mùa Covid-19 cũng được người dùng Internet đặc biệt quan tâm. Ngày 5/3, Celia Au, diễn viên người Mỹ gốc Hoa đăng video một người đàn ông châu Á bị một người da đen chỉ trích trên tàu điện ngầm. Video này thu hút gần 1,6 triệu lượt xem trên Twitter sau một tuần đăng tải. 

    Mạng xã hội dậy sóng vì trường học ở Bỉ đăng ảnh chế mùa Covid-19

Video thu hút gần 1,6 triệu lượt xem sau một tuần đăng tải. Video: Celia Au.

Trong khi người đàn ông châu Á đứng yên lặng cạnh cửa, người còn lại liên tục đi lại và tỏ vẻ khó chịu. Khi thấy đối phương không hồi đáp, người này bắt đầu lấy một bình màu tím, xịt về phía trước. Theo New York Post, đây có thể là bình xịt khử mùi và kháng khuẩn. 

Làn sóng “phân biệt châu Á” mùa Covid-19 nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng. Facebook, Instagram, Google, YouTube đều đang cố gắng hạn chế sự lan truyền những nội dung sai lệch liên quan đến dịch bệnh.

Khương Nha

Theo – Vnexpress.net