Trang chủHà NộiPhát hiện người nhiễm nCoV sau 23 ngày khám ở Bạch Mai

Phát hiện người nhiễm nCoV sau 23 ngày khám ở Bạch Mai

Phát hiện người nhiễm nCoV sau 23 ngày khám ở Bạch Mai

Bệnh nhân 47 tuổi ở xóm Bàng, Mê Linh được cho “đã ủ bệnh 23 ngày”, kể từ ngày đi khám ở Bạch Mai.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thông tin như trên tại cuộc giao ban trực tuyến công tác quý I/2020 của thành phố, sáng 6/4.

Theo ông, bệnh nhân 47 tuổi ở Mê Linh, đi khám ở Khoa miễn dịch dị ứng, bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3. Đến ngày 4/4, CDC Hà Nội lấy mẫu và tối 5/4 có kết quả dương tính. “Như vậy bệnh nhân này ủ bệnh đúng 23 ngày”, ông Chung nói. Trong khi đó, lâu nay chuyên gia y tế thường cho rằng thời gian ủ bệnh là 14 ngày. 

UBND huyện Mê Linh cho hay bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.

Bệnh viện Bạch Mai được ghi nhận là ổ dịch trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Ảnh: Ngọc Thành.

Sau khi được CDC Hà Nội thông báo về ca bệnh, huyện Mê Linh đã điều tra dịch tễ, khoanh vùng, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tiếp xúc gián tiếp (F2) để đề nghị UBND xã, thị trấn ra quyết định cách ly y tế.

Theo Chủ tịch Hà Nội, bệnh nhân ở Mê Linh ủ bệnh đến 23 ngày cho thấy các nghiên cứu ở thế giới đang xảy ra thực tế ở Hà Nội. “Đơn cử Hàn Quốc có ca ủ bệnh lâu nhất 27 ngày; Mỹ trung bình các ca bệnh là 22,5 ngày và Trung Quốc mới công bố ca ủ bệnh lâu nhất ở Vũ Hán lên đến 29 ngày”, ông nói.

Ngoài ca bệnh trên, Chủ tịch Hà Nội cho biết, sáng 6/4, CDC thành phố cũng phát hiện một trường hợp dương tính với nCoV bay từ Nga về, được cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT. Bệnh nhân này 35 tuổi ở Hà Tĩnh, nhập cảnh ngày 25/3, xét nghiệm lần đầu âm tính, nhưng lấy mẫu lần hai dương tính.               

Ông Chung nói tính từ ca bệnh đầu tiên trên địa bàn ngày 6/3 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 96 trường hợp dương tính với nCoV, chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất, phát hiện qua sàng lọc rà soát ở sân bay, được đưa đi cách ly tập trung ngay nên ít có khả năng lây lan cộng đồng. Nhóm thứ hai là các ca nhiễm chéo trong bệnh viện và cộng đồng. Nhóm cuối là các ca nhiễm ở trong bệnh viện Bạch Mai (36 ca).               

Lãnh đạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát, cách ly ngay các trường hợp liên quan đến bệnh viện Bạch Mai “vì đây vẫn là ổ dịch tiềm tàng nguy cơ lớn”. Ông cũng đề nghị các quận, huyện xem xét kéo dài thời gian cách ly “không phải 14 ngày mà 24 ngày”. Với những trường hợp đã hết 14 ngày cách ly và trở về gia đình, chủ tịch xã, phường phải yêu cầu họ tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày để tránh dịch lây lan ra cộng đồng.

Ông cho hay, chỉ riêng “bệnh nhân 237” người Thuỵ Điển đã kéo theo hơn 100 người F1, hơn 200 người F2. Hai bệnh nhân 17 và 19 có trên 2.175 người liên quan đến F1 và F2.

“Nếu thành phố mỗi ngày có 100 đến 200 ca bệnh mới thì sẽ không đủ người đi xác minh lịch sử dịch tễ”, ông Chung cảnh báo và cho rằng biện pháp ngăn chặn hiệu quả tối ưu và duy nhất là giãn cách xã hội; do vậy lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cách ly xã hội, ra đường không đeo khẩu trang.

Ngày 28/3 quận Đống Đa quyết định cách ly y tế với bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa) khi các bệnh nhân Covid-19 liên quan cơ sở này lên con số 8. Bạch Mai cũng dừng đón bệnh nhân.    

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra công điện yêu cầu rà soát tất cả người từng ra vào Bạch Mai từ ngày 10 đến 25/3.

Đến nay, Hà Nội đã rà soát được trên 25.000 trường hợp tại cộng đồng, xét nghiệm được hơn 12.800 trường hợp, kết quả 4.400 người âm tính, 4 dương tính, còn lại đang chờ kết quả. 

Thành phố cách ly tại cơ sở tập trung với 631 trường hợp là người nhà của bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai, lấy mẫu xét nghiệm được 631 trường hợp, trong đó có một người dương tính, các trường hợp còn lại âm tính.

RELATED ARTICLES