Đoàn công tác số 5 của Bộ Y tế do Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Lê Hồ Phương Nga, có buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch bệnh tại tỉnh Bình Thuận.
Chiều 12/7, Đoàn công tác số 5 của Bộ Y tế do Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Lê Hồ Phương Nga làm trưởng đoàn, đã đi giám sát công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) tại tỉnh Bình Thuận.
Theo báo cáo của ngành y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 2.153 ca SXH, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022 (1.679 ca), trong đó có 65 ca nặng; chưa ghi nhận ca tử vong.
Với bệnh TCM, toàn tỉnh có 163 ca mắc, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2022 (310 ca), có 1 ca tử vong tại thị xã La Gi.
Sau khi giám sát thực địa một số gia đình ở Mũi Né, Phòng khám Đa khoa khu vực Mũi Né, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đoàn công tác đánh giá chỉ số mật độ lăng quăng, bọ gậy, muỗi ở mức cao.
Số ca mắc SXH tại Bình Thuận là cao nhất khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, khu vực miền Trung ghi nhận 3 ca tử vong bệnh TCM, trong đó có Bình Thuận. Dự báo, số ca bệnh SXH, TCM sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh:T.M).
Tại buổi làm việc, báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế, các đại biểu cho biết, hiện đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh TCM, SXH; thiếu sinh hóa phẩm để làm xét nghiệm bệnh SXH do khó khăn trong việc mua sắm đấu thầu.
Bên cạnh đó, địa bàn tuyến huyện thiếu hóa chất phun diệt muỗi. Các huyện, thị, thành phố đã phải chủ động tìm nguồn hỗ trợ để có hóa chất xử lý các ổ dịch tại địa phương. Điều này gây khó khăn trong công tác điều trị, cũng như việc phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Lê Hồ Phương Nga đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống dịch tại địa phương và chia sẻ những khó khăn mà tỉnh Bình Thuận đang gặp phải.
Viện Pasteur Nha Trang sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng ngành y tế tỉnh trong việc tập huấn cán bộ y tế về phòng, chống dịch.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế tổ chức giám sát các chỉ số véc tơ tại cộng đồng; thường xuyên kiểm tra, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã; sẵn sàng vật tư y tế, thuốc và nhân lực để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát.