Theo chuyên gia, một số người làm nội dung trên YouTube, TikTok không có lương tâm, không được đào tạo bài bản, ném đá giấu tay khiến không gian mạng trở nên độc hại.

Nghệ sĩ Vũ Linh ra đi ngày 5/3 tại nhà riêng, trong vòng tay của người thân. Huyền thoại cải lương nằm xuống, để lại tiếc thương đối với giới nghệ sĩ và khán giả mộ điệu tuồng cổ.

Tuy nhiên, trong hơn 3 ngày diễn ra tang lễ cố nghệ sĩ, nhiều thông tin độc hại từ đội ngũ streamer trên mạng xã hội làm rối loạn thông tin, gây khó chịu cho gia đình, khán giả mến mộ cố NSƯT.

Tung tin giả, xô đẩy, livestream bất chấp

Khoảng 4 năm trở lại đây, bộ phận streamer hoạt động sôi nổi trên các diễn đàn. Mỗi khi có sự kiện hot, họ kéo nhau đến quay clip, chụp ảnh và “chớp tin nóng” đăng lên kênh cá nhân.

Tuy nhiên, bộ phận này gây quan ngại và bị nhiều người phàn nàn bởi cách làm việc bất chấp, đôi khi bỏ qua đạo đức nghề nghiệp. Dễ chứng kiến nhất, họ lợi dụng sự ra đi của các nghệ sĩ để câu view, kiếm tiền trên nỗi đau của gia đình người đã khuất.

Tại đám tang nghệ sĩ Vũ Linh, ngay từ chiều ngày nam nghệ sĩ ra đi, nhiều streamer (YouTuber, TikToker) kéo đến cố tình tìm mọi cách để quay thi hài ông. Sau đó, họ đăng tải lên mạng xã hội với những tiêu đề không đẹp. Gia đình cố nghệ sĩ tỏ ra bức xúc bởi ảnh động kém văn minh, làm xấu hình ảnh người đã khuất này.

Streamer vây kín tại đám tang nghệ sĩ Vũ Linh. Ảnh: Minh Tuyền.

Những tiêu đề như: Cận cảnh thi hài nghệ sĩ Vũ Linh; Trực tiếp đám tang nghệ sĩ Vũ Linh: Vợ và con ruột xuất hiện đòi phân chia tài sản; Công bố di chúc của ông hoàng cải lương Vũ Linh ngay tại đám tang; Tài Linh từ Mỹ gấp rút về đám tang Vũ Linh, ngất xỉu trước quan tài,… xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Dù gia đình đã lên tiếng cảnh báo, các tin giả này vẫn xuất hiện khắp nơi. Ngoài ra, các streamer còn bất chấp đặt điều, cho rằng Vũ Linh viết di chúc để lại hết tài sản cho con nuôi là Bình Tinh. Sự việc này gây ảnh hưởng lớn đến nữ nghệ sĩ, đến mức cô phải đính chính trên trang cá nhân để tránh gây hiểu lầm.

Vì lượt view và mức thu nhập hấp dẫn, các TikToker, YouTuber bất chấp mọi thứ, không từ chiêu trò để câu kéo người xem. Dù biết thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến nhiều người, họ vẫn không màng đạo đức.

Về phía người xem, vì sự hiếu kỳ và chưa biết cách chọn lọc thông tin, họ đổ xô xem những tin giả. Điều này đẩy view tăng cao, càng khiến một bộ phận streamer bất chấp hơn.

Sự bất chấp còn thể hiện ở việc đội ngũ streamer sẵn sàng chen lấn, xô đẩy để có được hình ảnh gần nhất, cận nhất người nổi tiếng. Ở lễ hạ huyệt nghệ sĩ Vũ Linh, nhiều streamer thậm chí đứng, trèo lên phần mộ của những người đã khuất ở nghĩa trang để quay hình.

Bình luận độc hại

Do không được kiểm soát về mặt đăng tải, phía dưới các video của đội ngũ streamer cũng xuất hiện nhiều bình luận tiêu cực, suy diễn từ người xem. Vì xem những thông tin không đúng sự thật, họ buông lời trách móc cố nghệ sĩ.

Thời trẻ ăn chơi trác táng nên cô độc lúc về già; Có vợ và con rơi mà suốt ngày bảo sống cô đơn trên giường bệnh; Có con rơi mà giấu giếm suốt nhiều năm,… là một vài bình luận độc hại phía dưới kênh của các YouTuber, TikToker. Những bình luận này khiến người hâm mộ nghệ sĩ bức xúc, gia đình nghệ sĩ tổn thương.

Một số người không liên quan đến câu chuyện cũng bị kéo vào. Cụ thể, khi nghệ sĩ Việt Hương đang livestream, có người vào bình luận vì sao không đi viếng Vũ Linh mà ngồi nhà phát trực tiếp.

Nữ nghệ sĩ thẳng thắn đáp trả, cho biết cô đang đi quay phim ở Cà Mau, vì điều kiện không cho phép nên không thể về viếng đàn anh. “Các bạn chỉ thấy bề nổi thôi, không phải tôi như vầy là không liên quan đến anh ấy. Thật ra khi người còn sống mình giúp mới gọi là kịp”, Việt Hương đáp trả.

Nghệ sĩ Ngọc Huyền trở thành nạn nhân của bình luận độc hại khi ngất xỉu trong đám tang Vũ Linh. Ảnh: Maison de Bil.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Ngọc Huyền – người bạn diễn thân thiết của Vũ Linh lúc sinh thời cũng là nạn nhân của những bình luận tiêu cực. Trong đêm cuối tiễn biệt Vũ Linh tại nhà riêng, Ngọc Huyền góp giọng hát trước linh cữu anh lần cuối. Khi hát xong, Ngọc Huyền kiệt sức nên ngất xỉu trước quan tài, các đồng nghiệp phải đưa cô vào trong, sơ cứu 10 phút mới tỉnh lại. Tuy nhiên, một số bình luận trên mạng lại buông những lời chế giễu, cho rằng Ngọc Huyền giả xỉu, diễn để lấy lòng thương trong đám tang của nghệ sĩ Vũ Linh.

Những bình luận khiến người trong cuộc phiền lòng.

“Người làm content trên social cũng cần có đạo đức nghề nghiệp”

Trao đổi với Zing, chuyên gia truyền thông Phan Vĩnh Phúc cho rằng những người làm công việc sáng tạo nội dung (blogger, streamer) ban đầu có sự may mắn vì được khán giả xem nhiều. Sau một thời gian, nhiều người không biết phải làm gì tiếp theo vì không được đào tạo bài bản. Họ đi theo chiều hướng lá cải, bám theo hướng hiếu kỳ của khán giả để câu view.

Theo chuyên gia, người làm nội dung thiếu kỹ năng, kiến thức và nền tảng về truyền thông nên làm những nội dung không sạch. Ngoài ra, các nền tảng kiểm soát nội dung bằng máy, các nhà quảng cáo cũng phân phối nội dung bằng lập trình nên không thể kiểm duyệt tốt và góp phần đẩy nó đến khán giả gần hơn.

“Tôi nghĩ, những người làm nội dung nên được đào tạo, về cách giật tít, đưa nội dung đến khán giả và được đào tạo để thành người làm nội dung có lương tâm. Khi không biết bám vào đâu, họ bám vào những người nổi tiếng để tung tin, đặc biệt là những người đã khuất hay những nghệ sĩ tham dự đám tang”, chuyên gia nêu quan điểm.

Về phần bình luận độc hại của một bộ phận streamer và khán giả, theo chuyên gia, là bởi mạng xã hội có hiệu ứng đám đông và tính nặc danh.

“Khi nói chuyện với nhau qua mạng, người ta dễ dàng bày tỏ quan điểm và cá tính mạnh hơn. Cũng như việc ném đá giấu tay, khi không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, ai cũng rất sung sức”, ông Phan Vĩnh Phúc nói với Zing.

Theo ông, khi không đối thoại trực tiếp, người ta bộc lộ con người thật nhiều hơn, không còn những rào cản về văn hóa, đạo đức và ngôn ngữ mà ngày thường phải đối mặt. Ngoài ra, tâm lý đám đông cũng khiến nhiều người đưa ra những bình luận tiêu cực, gây tổn thương tâm lý đến người khác.

Chuyên gia Phan Vĩnh Phúc cho biết việc độc hại trên mạng xã hội đang là một vấn nạn. Bởi thế, người sáng tạo nội dung, các nền tảng kiểm duyệt, nhà quảng cáo và các khán giả đều nên lưu tâm vấn đề này.