Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết các thuê bao di động đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân cũ sẽ được nhà mạng tự động đối soát và cập nhật khi có dữ liệu CCCD mới.

Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/4 về tình hình chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết đối với những thuê bao đăng lý bằng chứng minh thư nhân dân, nếu có thông tin chính xác và đầy đủ thì sử dụng bình thường.

Thứ trưởng Bộ TTTT cũng đồng thời thông tin về trường hợp thuê bao đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân nhưng chủ thuê bao chưa đồng bộ hoặc chưa được cấp căn cước công dân. Đối với những trường hợp này, nhà mạng sẽ rà soát lại đăng ký trên cơ sở dữ liệu của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao trước đây (hồ sơ bản giấy hoặc bản photo của giấy tờ tùy thân).

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại họp báo. Ảnh: Hồng Quang.

Trong trường hợp đã trùng khớp thông tin, nhà mạng sẽ tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi cơ sở dữ liệu này có thêm dữ liệu của người dân khi người dân làm căn cước công dân mới. “Việc này sẽ được thực hiện dần dần và việc này sẽ không gây phiền toái đến người dân”, Thứ trưởng Bộ TTTT nói và cho biết việc chuẩn hóa thông tin thuê bao góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật qua mạng viễn thông và hạn chế SIM rác.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết người dân chủ động nhắn tin đến đầu số 1414 với cú pháp “TTTB” để kiểm tra thông tin thuê bao của mình. Nếu thông tin chưa được chuẩn hóa, chủ thuê bao có thể liên hệ đến nhà mạng để chuẩn hóa thông tin.

Trước đó, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT), cho biết theo báo cáo của các nhà mạng, trong tập hơn 3,84 triệu SIM thuê bao được xác định là phải chuẩn hóa do sai thông tin so với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có 2,17 triệu SIM thực hiện chuẩn hóa và 1,67 triệu SIM bị khóa một chiều.

Số SIM bị khóa chiếm gần một nửa trong tổng số SIM chưa khớp thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG). Cụ thể, Viettel đã khóa liên lạc một chiều gọi đi đối với khoảng 400.000 thuê bao, VinaPhone khóa 600.000 và MobiFone khóa 600.000, theo số liệu do các nhà mạng cung cấp.

Các thuê bao này sẽ được mở liên lạc trở lại ngay khi người dùng thực hiện chuẩn hóa thông tin. Tuy nhiên các nhà mạng buộc phải khóa thuê bao để đáp ứng thời hạn đến 31/3 tất cả các thuê bao di động phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với CSDLQG.