Trong đợt kiểm tra vào tháng 5, TikTok phải giải thích lý do nội dung độc hại được lan truyền trên nền tảng, thậm chí gợi ý đến người dùng hoặc đưa lên xu hướng.

“TikTok được giữ bí mật các dòng lệnh, các yếu tố kỹ thuật mang tính bí mật kinh doanh, nhưng họ buộc phải cung cấp cách thức phân phối nội dung”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trao đổi với Zing.

“Cụ thể, họ sẽ phải giải thích tại sao nội dung này được phân phối mà không phải nội dung khác, tại sao những nội dung độc hại lại được tạo thành ‘trend’, đó là yêu cầu về quản lý thuật toán”, ông Tự Do cho biết.

Thuật toán TikTok phân phối nội dung phạm pháp

Các cụm từ “ăn hối lộ”, “tham nhũng”, “bành trướng quyền lực” gắn liền với các chức danh cấp cao trong Chính phủ Việt Nam là nội dung của một loạt video mà cơ quan chức năng đã ghi nhận làm bằng chứng cho thấy TikTok lan truyền nội dung phản động.

“Do sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo của TikTok mà tin giả, tin sai sự thật xuất hiện rất nhiều”, ông Tự Do cho biết tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/4.

Vị này cho biết thêm các công cụ rà quét hiện có chưa theo dõi được các nền tảng video ngắn, do đó chưa đưa ra được con số định lượng các nội dung phạm pháp, độc hại. Các giải pháp kỹ thuật này đang được phát triển.

Nội dung cờ bạc nhắm đến nhóm người dùng trẻ em thông qua hình thức hoạt hình. Ảnh: Hoàng Nam.

Nhưng dựa trên những nội dung thu thập được, Cục PTTH&TTĐT đánh giá nền tảng này có lan truyền các nội dung vi phạm Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ở các điều khoản cấm lan truyền thông tin chống lại Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, thông tin sai sự thật, nội dung đồi trụy.

Theo ghi nhận của Zing, nền tảng mạng xã hội dán nhãn “12+” này cho phép đăng tải các nội dung khiêu dâm, quảng cáo bán dâm qua các “CLB” có trả phí. Một số nội dung khoe da thịt, hở hang hoặc mô tả hoạt động tình dục được nền tảng tăng tương tác bằng cách đưa vào mục “Dành cho bạn”, giao diện đầu tiên mà người dùng nhìn thấy khi vào ứng dụng TikTok.

Cục PTTH&TTĐT cũng ghi nhận các “trend” nội dung có nguy cơ gây hại trực tiếp cho người xem là trẻ em, như “chui đầu vào trụ bê tông”, “nhảy trước đầu xe tải”, “tự mài răng ở nhà” xuất hiện trên nhiều tài khoản khác nhau. Trong đó, một kênh tự đặt tên là “Kids TV *******” đăng các video “đánh lô trúng đề”, “ngủ mơ trúng đề – ý nghĩa cuộc sống” thu về hàng chục nghìn lượt tương tác. Đến ngày 7/4, hầu hết video này vẫn có thể được tìm thấy trên TikTok.

Nội dung bẩn là lựa chọn của TikTok

Các dạng nội dung này đều vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng do chính TikTok đặt ra. “TikTok không khoan nhượng trước bất kỳ nội dung hay hành vi nào vi phạm các Tiêu chuẩn Cộng đồng” là câu trả lời nền tảng này phản hồi Zing trong một vụ việc nội dung miệt thị lan truyền trên TikTok cuối năm 2022.

Trên thực tế, ở các thị trường ngoài Trung Quốc, TikTok không thực hiện hiệu quả các “Tiêu chuẩn” trên giấy tờ.

Tính năng tặng quà lên đến hàng chục triệu đồng bị tắt đối với nhóm người dùng nhỏ tuổi trên phiên bản TikTok Trung Quốc, nhưng mở cho tất cả người dùng ở các thị trường khác. Ảnh: Xuân Sang.

Báo cáo tháng 12/2022 của Trung tâm Chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (CCDH) thực hiện tại Mỹ, Anh, Canada và Australia cho thấy trong vòng 2,6 phút sau khi người dùng là trẻ em 13 tuổi lập tài khoản, TikTok đề xuất nội dung tự sát. Trong vòng 8 phút, nền tảng gợi ý nội dung liên quan đến chứng rối loạn ăn uống. Cứ sau 39 giây, TikTok đề xuất các video về hình ảnh cơ thể và sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên.

Tình hình tương tự xảy ra ở Việt Nam. “Chúng tôi ghi nhận nội dung gây nguy hiểm với trẻ em, yêu cầu ngăn chặn nhưng TikTok không làm hiệu quả”, ông Tự Do cho biết.

Nhưng Douyin, phiên bản TikTok ở Trung Quốc, là bằng chứng cho thấy nền tảng này hoàn toàn có khả năng kiểm soát nội dung độc hại. Từ năm 2018, Douyin cấm người dùng chưa đủ tuổi tham gia livestream và “donate”, và chỉ hiển thị nội dung trong danh sách cho phép với nhóm người dùng thanh thiếu niên. Sau đó, vào năm 2019, Douyin giới hạn người dùng thanh thiếu niên chỉ được xem 40 phút mỗi ngày trong khung giờ từ 6h đến 22h.

“Có vẻ như họ nhận ra rằng công nghệ đang ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em và thiết kế phiên bản nội địa lành mạnh, trong khi đưa phiên bản gây nghiện đến phần còn lại của thế giới”, Tristan Harris, nhà khoa học máy tính đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ và Nhân đạo, cho biết.