Trẻ bị rôm sảy thường có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa rát… khiến trẻ bỏ ăn, quấy khóc, khó ngủ. Vậy mẹ cần làm gì để phòng và khắc phục tình trạng rôm sảy cho con?
Rôm sảy là hiện tượng bít tắc tuyến mồ hôi, ứ đọng tuyến mồ hôi, ống bài tiết do bụi bẩn hoặc ghét bít kín gây viêm da và xuất hiện các mụn hồng nhỏ trên da, có 3 loại rôm sảy:
– Rôm đỏ (miliaria)
Đây là loại rôm ẩn sâu trong da, những vùng da bị ảnh hưởng sẽ xuất hiện các mụn đỏ, bé có cảm giác ngứa rát và thường xảy ra khi thời tiết nóng bức.
– Rôm dạng tinh thể (miliaria crystalina)
Dễ xảy ra ở những trẻ tuyến mồ hôi chậm phát triển. Nó không có biểu hiện ngứa rát hay viêm. Và có thể nhận biết khi trẻ sốt cao và để lại các mảng da bị bong khi đã hết rôm sảy.
– Rôm sâu (miliaria profunda)
Loại rôm sảy này nằm sâu nhất của lớp da, thường xuất hiện khi tuyến mồ hôi bị tổn thương nặng và dạng rôm sảy này thường kéo dài. Tuy nhiên, nó là dạng rôm sảy hiếm gặp ở trẻ.
Trẻ bị rôm sảy có triệu chứng gì?
– Mụn nước nhỏ mọc từng đám, da nổi mẩn đỏ.
– Những nốt nổi mẩn đỏ hình tròn, như đầu kinh có chút nước, đỏ xung quanh.
– Trẻ ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu, khóc nhiều.
– Mẩn đỏ bị trẻ gãi trầy xước da có nguy cơ nhiễm khuẩn thành các mụn nhọt hoặc mủ.
– Các vị trí dễ xuất hiện rôm sảy như: Trán, vai, ngực, lưng, cổ hoặc háng, kẽ nách.
Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy
1. Tuyến mồ hôi của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh.
Đây là nguyên nhân chính khiến mồ hôi của bé không thoát ra ngoài được gây bít tắc khiến trẻ bị rôm sảy, đặc biệt vào mùa hè thời tiết nóng nực, cơ thể bé bài tiết ra nhiều mồ hôi hơn.
2. Quần áo không thấm hút mồ hôi.
Quần áo của bé không phải chất liệu cotton 100%, không thấm hút mồ hôi khiến bé dễ bị rôm sảy, ngứa ngáy khó chịu.
Quần áo không thấm hút mồ hôi, quá dày là nguyên nhân bé bị rôm sảy (Ảnh: Internet).
3. Dùng tã, bỉm cho trẻ sai cách.
Mẹ mặc tã, bỉm cho bé cả ngày hoặc tã, bỉm quá chật gây bít tắc các tuyến mồ hôi, bé ngứa, khó chịu.
4. Thời tiết nóng nực.
Mùa hè, nhiệt độ cao khiến bé ra nhiều mồ hôi hơn, một vài vi khuẩn ở trên da có thể bài tiết chất nhờn gây bít tuyến mồ hôi ở trẻ.
5. Trẻ bị sốt hoặc vận động nhiều.
Đây là nguyên nhân khiến mồ tiết ra nhiều hơn, trẻ dễ bị rôm sảy.
Cách chữa cho trẻ bị rôm sảy
Với những trường hợp bé bị rôm sảy nhẹ, các mẹ có thể áp dụng cách khắc phục, chữa rôm sảy tại nhà sau đây:
– Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
Nếu trẻ bị rôm sảy do thời tiết nóng nực, mẹ nên hạn chế cho bé mặc đồ quá dày, không thấm hút mồ hôi.
Mẹ nên cho bé mặc đồ thoáng mát, mỏng, dễ chịu và để bé ở trong phòng thoáng khí, mát mẻ. Mẹ không nên cho bé vận động, chơi nhiều tránh mồ hôi tiết ra.
– Lau người hoặc tắm cho trẻ.
+ Với những chỗ mẩn đỏ nhỏ, mẹ có thể dùng khăn đã nhúng qua nước, vắt lại khăn sau đó lau người cho bé. Mẹ nên lau nhẹ nhàng, cẩn thận. Việc này giúp làm hạ nhiệt độ cơ thể, giảm đau, ngứa, khó chịu cho bé.
+ Với những rôm sảy mọc thành từng đám lớn. Mẹ nên cho trẻ đi tắm với nước ấm, sau đó nhẹ nhàng lau khô người cho bé. Tuy nhiên mẹ không nên sử dụng xà bông, sữa tắm cho bé vì nó có thể gây dị ứng da hơn.
Mẹ có thể tắm cho bé bằng nước ấm giúp làm mát da, hạn chế rôm sảy (Ảnh: Internet).
– Bôi kem chống viêm.
Nếu trẻ bị rôm sảy nặng, các mẩn đỏ không bị trầy xước, vỡ nước các mẹ có thể mua các loại kem chống viêm bôi ngoài da cho trẻ. Tuy nhiên, khi dùng các loại kem này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho bé.
– Sử dụng kem trị rôm sảy cho bé.
Mẹ có thể sử dụng các loại kem trị rôm sảy dành riêng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Tuy nhiên, da trẻ sơ sinh vẫn còn khá mỏng, dễ bị ứng kích vì vậy mẹ chỉ nên dùng loại kem trị rôm do bác sĩ kê đơn và dùng đúng liều lượng.
– Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì?
Theo kinh nghiệm dân gian, trẻ bị rôm sảy các mẹ có thể tắm cho bé bằng lá chè xanh, lá khế, mướp đắng, sài đất, lá khế, trầu không… làm dịu, mát da bé, rôm sảy sẽ tự hết sau đó.
Theo kinh nghiệm dân gian mẹ có thể tắm nước lá khế, trầu không, chè xanh… cho bé để chữa rôm sảy (Ảnh: Internet).
– Công dụng của những loại nước lá này trong điều trị rôm sảy như: Kháng viêm, sát trùng, làm mát, dịu da, làm sạch da giúp bé nhanh hết rôm sảy và không gây tác dụng phụ.
Lưu ý: Tắm nước lá chỉ phù hợp với những bé bị rôm sảy ở trường hợp nhẹ, mẩn đỏ không vỡ nước, bị trầy xước. Nếu trường hợp bé bị nặng mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Cách phòng tránh rôm sảy ở trẻ nhỏ
Để con không bị rôm sảy, mẹ cần nên làm các việc sau:
– Hạn chế cho con chơi ở công viên, sân khi thời tiết nóng nực.
– Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung các loại nước hoa quả cho bé.
– Mặc quần áo thoáng mát, chất vải mềm mại, thấm hút mồ hôi cho trẻ.
– Mẹ giữ cho cơ thể bé khô ráo, tránh mồ hôi ra nhiều.
– Tắm cho trẻ bằng nước, các loại nước lá, không tắm xà bông cho trẻ.
– Để trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, dễ dịu tránh cho trẻ tụ tập ở nơi đông người, nóng bức, thiếu khí.
Khi nào cần đưa trẻ đi bác sĩ?
Trẻ bị rôm sảy có các dấu hiệu như phát ban, nổi mẩn đỏ nhiều, vỡ nước, ngứa rát, đau, quấy khóc, bỏ ăn… Mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị tốt nhất.
Trẻ bị rôm sảy phải làm sao? Các mẹ có thể áp dụng các cách chữa trị trên hoặc phòng ngừa rôm sảy ngay khi bé không có dấu hiệu của bệnh. Nếu bé có các dấu hiệu bất thường, nặng mẹ nên đưa con tới bệnh viện sớm.