Theo luật sư, chiếc xe là tài sản do phạm tội mà có, vì vậy cơ quan chức năng sẽ tịch thu, kê biên và bán đấu giá để hoàn trả tiền cho ngân hàng.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng đang tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Nam (24 tuổi, trú ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, Hải Phòng) để điều tra vụ cướp ngân hàng Vietcombank ở đường Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng.
Theo lời khai của nam thanh niên này, sau khi cướp 3 tỷ đồng của ngân hàng, anh ta dùng 700 triệu để mua một chiếc môtô phân khối lớn tại một showroom ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tịch thu, kê biên, đấu giá chiếc xe
Theo dõi vụ việc, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, nhận định với số tiền cướp lên đến 3 tỷ đồng, Nguyễn Văn Nam có thể phải đối mặt với khung hình phạt 18-20 năm tù hoặc tù chung thân, theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Cướp tài sản.
Đối với chiếc môtô trị giá 700 triệu đồng mà Nam dùng tiền cướp được để mua, luật sư cho hay đây là tài sản do Nam phạm tội mà có. Vì vậy, chiếc xe cùng số tiền còn lại sẽ bị tịch thu.
Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa trích dẫn Khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011, hướng dẫn áp dụng quy định về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội Rửa tiền. Theo đó, tài sản phạm tội mà có là tài sản do người phạm tội có được, từ việc trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hoặc từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản phạm tội.
Nam dùng tiền cướp được để mua xe. Ảnh: Đ.X.
Như vậy, chiếc môtô mà Nam sở hữu là từ số tiền mà anh ta cướp ngân hàng. Vì vậy, luật sư Tùng cho biết chiếc xe sẽ bị tịch thu, kê biên và bán đấu giá để hoàn trả tiền cho ngân hàng, cùng với số tiền mà tội phạm đã sử dụng cho các việc khác bị cơ quan công an truy thu.
“Bên cạnh đó, Điều 186 Bộ luật Hình sự về tội Cướp tài sản, có quy định về hình phạt bổ sung là người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng”, luật sư cho hay.
Có thể bị truy tố thêm tội
Theo lời khai của nam thanh niên 24 tuổi, trước khi gây án, anh ta có qua lại một người bạn tên N.M.H. (24 tuổi, trú cùng quê). Sau khi cướp ngân hàng, Nam cũng hẹn người bạn này đón chở về nhà rồi đi Vĩnh Phúc thuê nhà nghỉ.
Với tình tiết này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, nhận định cơ quan điều tra sẽ cần thu thập lời khai, chứng cứ để tránh bỏ lọt tội phạm.
“Cần xác định việc H. có biết chuyện Nam sẽ thực hiện hành vi cướp ngân hàng hay không để xác định yếu tố đồng phạm trong vụ việc này”, luật sư Tiền nói.
Camera ghi lại cảnh Nam cướp ngân hàng. Ảnh: Đ.X.
Theo phân tích của luật sư, nếu H. biết mà vẫn đồng ý chở nghi phạm đến ngân hàng để cướp thì H. có thể bị truy tố về tội Cướp tài sản với vai trò là người giúp sức. Tùy vào tính chất và mức độ tham gia phạm tội, đồng phạm sẽ nhận hình phạt tương ứng. Còn trường hợp H. không biết kế hoạch phạm tội của bạn mình thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Một tình tiết khác mà luật sư Tiền nhắc đến là khẩu súng mà Nam sử dụng để đe dọa, uy hiếp bảo vệ, nhân viên ngân hàng.
Theo luật sư, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hung khí trên có phải là vũ khí quân dụng hay không, hoặc có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng hay không để xem xét về hành vi Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Nếu xác định đó là vũ khí quân dụng hoặc tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, quy định theo Điều 304 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt tù 1-7 năm.