Dùng gậy bóng chày hành hung suốt 20 ngày liên tục, lấy máy kẹp tóc để tra tấn hay ép bạn học uống nước tiểu là những câu chuyện gây chấn động người dân Hàn Quốc về nơi được coi là một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới.
Mới đây, bộ phim The Glory (Tạm dịch: Vinh quang trong hận thù – PV) vừa được ra mắt với sự góp mặt của Song-Hye Kyo được khán giả trong nước và quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Phim được xem nhiều nhất tại Hàn Quốc và xếp thứ 5 trên toàn thế giới.
Bộ phim có nội dung xoay quanh một nạn nhân của bạo lực học đường lớn lên và tìm cách trả thù nhóm thủ phạm. Theo Allkpop tiết lộ, những cảnh bắt nạt trong The Glory không phải do biên kịch tự nghĩ ra mà dựa trên những sự kiện có thật xảy ra tại các ngôi trường trung học ở Hàn Quốc.
So với những bộ phim truyền hình K-Drama thông thường, The Glory mô tả sự tàn bạo của nạn bắt nạt học đường ở Hàn Quốc một cách sinh động hơn, đến mức một số khán giả cảm thấy không biết nó là thật hay quá mức phóng đại. Tuy nhiên theo một ủy viên của trường học tại Văn phòng Giáo dục Gyeonggi Suwon, nó thường tồi tệ hơn rất nhiều lần so với những gì “Song-Hye Kyo phải trải qua trong The Glory”.
“Vinh quang trong hận thù” (The Glory) của Song-Hye Kyo
Trong chương trình News High Kick phát sóng mới đây của đài MBC, ông Choi Woo Sung, ủy viên trường học tại Văn phòng Giáo dục Gyeonggi Suwon, nơi chuyên giám sát các trường hợp liên quan đến bạo lực học đường đã được làm khách mời của đài. Khi được hỏi liệu cảnh những kẻ bắt nạt Moon Dong Eun (diễn viên chính trong The Glory do Song-Hye Kyo thủ vai) tra tấn cô bằng một chiếc máy uốn tóc nóng có thật không, ông Choi trả lời: “Thực tế còn tồi tệ hơn rất nhiều.”
Điều đáng chú ý, phân cảnh này trong phim ngay khi được lên sóng, cũng đã được cư dân mạng Hàn Quốc phát hiện và cho rằng có thể đạo diễn đã lấy cảm hứng từ một vụ bạo lực học đường có thật. Điều này ngay lập tức gây ra một làn sóng dư luận trên khắp các diễn đàn mạng xã hội ở Xứ sở Kim Chi.
Để giải thích cho câu nói của mình cũng như những đồn đoán về phân cảnh tra tấn trên, ông Choi đã trích dẫn một tài liệu tam khảm mà văn phòng của ông có được.
Đó là câu chuyển xảy ra vào năm 2006, khi có thông tin cho rằng một nhóm học sinh tại một trường cấp hai ở Cheongju đã tra tấn một học sinh trong khoảng 20 ngày liên tục. Nhóm do Kim, khi đó mới chỉ 15 tuổi, cầm đầu đã đánh nạn nhân “A” bằng gậy bóng chày, đốt cháy cánh tay của cô ấy bằng máy là tóc trong lớp học và dùng cả kẹp quần áo để kẹp vào ngực nạn nhân.
“Khi đó, nạn nhân bị bỏng nặng, xương cụt lòi ra ngoài. Cô ấy cần nhập viện từ 5 đến 6 tuần… Thủ phạm cũng thú nhận rằng họ đã trừng phạt nạn nhân bằng cách dùng móng tay để lột những vảy da non đang hình thành trên vết sẹo của cô ấy”. Ông Choi chia sẻ trên đài MBC.
Tiếp tục câu chuyện của mình, ông Choi còn dẫn chứng một số trường hợp bạo lực khác liên quan đến trẻ vị thành niên tại nhiều ngôi trường trung học khác.
Ví dụ như vụ hành hung tại trường trung học nữ sinh Yangsan xảy ra hồi năm 2021 liên quan đến một học sinh nước ngoài bị một nhóm học sinh cấp hai bản xứ hành hung. Điều đáng phẫn nộ là thủ phạm đã ghi lại toàn bộ vụ tấn công và chia sẻ nó trên các diễn đàn internet.
Trước đó, vụ án bạo hành ký túc xá Cheonghak-dong vào năm 2020 đã gây chấn động đối với người dân Hàn Quốc khi nạn nhân bị một nhóm nữ sinh ép uống nước tiểu sau khi họ nhét vật lạ vào cơ thể cô.
Hay như gần đây nhất, vụ tấn công tình dục ở Bắc Gyeonggi năm 2022 là vụ việc khiến cả Hàn Quốc phải bàng hoàng. Một cậu bé 12 tuổi đã tấn công tình dục một bé gái 9 tuổi trên một khối tuyết mà cậu ta đã làm để trông giống như một chiếc giường.
Tất cả những câu chuyện đều gây cho người dân sự ám ảnh bởi theo ông Choi, tất cả thủ phạm đa số đều dưới 14 tuổi, độ tuổi vẫn được luật pháp Hàn Quốc bảo vệ trong các vụ án hình sự. Cũng như Việt Nam, độ tuổi này ở Hàn Quốc đều được xét là “dưới vị thành niên” (ở Hàn Quốc là từ 10-14 tuổi – PV) và là tình tiết giảm nhẹ trong các bản án.
“Trong cả ba trường hợp, một số thủ phạm hoặc tất cả đều là trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi, vì vậy sẽ có giới hạn để trừng phạt… Tôi đồng ý rằng độ tuổi vị thành niên tiêu chuẩn nên được hạ thấp dần khi thủ phạm đang ngày càng trẻ hóa và tội ác của chúng thì ngày càng tinh vi và bạo lực hơn… Đồng thời, chúng ta cũng cần phải nỗ lực để gây dựng và ngăn chặn những vụ việc như vậy xảy ra ngay từ đầu”. Ông Choi chia sẻ với MBC.
Song Hye Kyo gây ấn tượng với vai diễn cô gái trả thù những kẻ bắt nạt học đường. Ảnh: Netfilx.
Vào tháng 12/2022, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự luật hạ thấp giới hạn độ tuổi trên từ 14 xuống 13 trong Đạo luật Phòng chống Tội phạm và Tư pháp Vị thành niên.
Bạo lực học đường là vấn đề rất được quan tâm tại Hàn Quốc. Không ít nghệ sĩ Hàn Quốc bị lên án gay gắt, thậm chí buộc rời khỏi ngành giải trí vì những cáo buộc họ từng bắt nạt bạn bè trong quá khứ. Trước sự quan tâm lớn của xã hội, ngày càng nhiều phim Hàn Quốc khai thác trực diện đề tài bạo lực học đường, nhằm cảnh báo mức độ phổ biến và những hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn này.
Một số khán giả lo ngại những nội dung bạo lực học đường xuất hiện ngày càng nhiều trên phim ảnh sẽ kích thích hành vi của giới trẻ. Tuy nhiên phần đông công chúng Hàn Quốc cho rằng việc phản ánh trực diện vấn nạn này giúp xã hội quan tâm hơn, đồng thời đưa ra cảnh báo quan trọng cho các bậc phụ huynh về thực trạng hiện nay.
Nhà phê bình Jung Duk-hyun ủng hộ các nhà làm phim tập trung vào các vấn đề thực tế như bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng Internet và tội phạm vị thành niên; thay vì chỉ nói về những ước mơ và lãng mạn trong các bộ phim cho thanh thiếu niên. Trong đó, sự tích cực của các nền tảng trực tuyến như Netflix đóng vai trò quan trọng và “mở đường” cho chủ đề nóng vốn được coi là “tế nhị” với những kênh truyền hình chính thống.
Luật sư Noh Yoon-ho – người chuyên về các vụ việc bạo lực học đường tại Hàn Quốc tin rằng khi những nhà làm phim có cách tiếp cận nghiêm túc sẽ đẩy làn sóng phẫn nộ của công chúng, trong bối cảnh vấn nạn này vẫn đang bị phớt lờ ngay tại các trường học ở Hàn Quốc.
“Nhiều học sinh vẫn phớt lờ bạo lực học đường vì sợ rằng mình có thể trở thành nạn nhân hoặc vô tình dính líu vào vụ việc. Ngay cả nhiều cha mẹ cũng cố gắng tách con cái ra khỏi câu chuyện này vì lo sợ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập” – luật sư Noh Yoon-ho nói.
Theo luật sư Noh Yoon-ho, các phương tiện truyền thông có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng tại Hàn Quốc về bạo lực học đường. Tuy nhiên tình trạng này chỉ có thể được ngăn chặn khi người lớn thấu hiểu các nạn nhân và các học sinh không trở thành những người ngoài cuộc vô cảm với bạn bè của mình.