Trang chủQuảng TrịĐêm không ngủ ở Tà Rùng: Cứ nhắm mắt, lại ám ảnh...

Đêm không ngủ ở Tà Rùng: Cứ nhắm mắt, lại ám ảnh tiếng ầm ầm núi lở

Đêm không ngủ ở Tà Rùng: Cứ nhắm mắt, lại ám ảnh tiếng ầm ầm núi lở

Trận sạt lở đất khiến nhiều người thiệt mạng ở Tà Rùng diễn ra đã 1 tháng, nhưng đến bây giờ, cứ nhắm mắt lại, người dân ở nơi này lại nghe thấy tiếng ầm ầm của núi lở. Có đêm, ông Khăm giật mình chạy lao ra sân giữa cơn mưa nặng hạt vì tự tưởng tượng ngôi nhà mà gia đình ông đang ở bị quả núi phía xa vồ lấy…

Ngôi nhà của ông Hồ Văn Khăm nằm cạnh địa điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Cả tháng nay, ban ngày cả nhà sống thấp thỏm, đêm đến không dám ngủ nên phải sang tá túc nhà hàng xóm. Ảnh: Hưng Thơ.

Ngôi nhà của ông Hồ Văn Khăm nằm cạnh địa điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Cả tháng nay, ban ngày cả nhà sống thấp thỏm, đêm đến không dám ngủ nên phải sang tá túc nhà hàng xóm. Ảnh: Hưng Thơ.

Cả gia đình 6 người nằm lại

Tỉnh lộ 587 qua thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) một bên là núi, bên còn lại là vực sâu. Đứng ở trung tâm xã Húc nhìn sang, cứ tưởng con đường này mới mở, vì thấy vết đất đỏ au. Nhưng thực ra, vết đất mới là do sạt lở đất diễn ra từ ngày 17/10. 1 tháng sau vụ sạt lở, điện ở Tà Rùng vẫn chưa có trở lại, tỉnh lộ 587 đoạn qua thôn này mới chỉ khắc phục tạm. Nếu trời khô ráo nhiều ngày, xe môtô mới có thể luồn lách qua các điểm sạt, còn trời mưa thì chỉ có cách đi bộ để vào thôn.

Hồ Văn La Hâm (SN 1991, trú tại thôn Tà Rùng) – bố của cháu bé 10 tháng tuổi thiệt mạng do trận sạt lở đất diễn ra vào lúc 5h sáng ngày 17/10 khuôn mặt trắng bợt vì mất ngủ. La Hâm kể, nhà của vợ chồng anh dựng 1 bên tỉnh lộ 587, phía bên kia đường là một quả đồi không cao lắm. Hôm đó và mấy hôm trước nữa trời cứ mưa nặng hạt, không ai rời nhà được nên tối ngủ sớm.

Sáng đó, ai cũng dậy sớm, bên kia giường, vợ của La Hâm là Hồ Thị La Ham (SN 1995) vén áo cho con bú. Bất ngờ, một tiếng nổ to và gần vang lên, chưa kịp nghĩ gì thì một khối lượng đất lớn từ quả đồi đổ ập xuống, tống thẳng vào ngôi nhà xây bằng bê tông của La Hâm. Vị trí La Hâm đang ngồi cùng 2 đứa con không bị đất tràn vào, nhưng La Ham nằm ở giường thì bị đất phủ lên. Định thần lại, La Hâm hò hét, rồi một số người ở trong thôn đến hỗ trợ kéo vợ anh ra ngoài để đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng đứa con 10 tháng tuổi thì không qua khỏi.

Chưa hết bàng hoàng vì cảnh tượng sạt lở đất tàn phá ngôi nhà của La Hâm, thì chiều cùng ngày, cách đó một quãng ngắn, ngôi nhà của ông Hồ Văn Phơi dựng ở bên tỉnh lộ bị sạt lở xóa sổ hoàn toàn. Thời điểm xảy ra vụ việc, trong nhà có 6 người, và đến ngày hôm sau thì thi thể của cả gia đình này được tìm thấy dưới đống đất đá. Đến bây giờ, người dân ở Tà Rùng vẫn không ai hay biết vụ sạt lở vùi cả nhà Hồ Văn Phơi diễn ra như thế nào. Chỉ biết khi chạy đến hiện trường, thì ngôi nhà đã biến mất, không còn bất cứ thứ gì đủ hình đủ dạng hay nguyên vẹn nữa…

Đêm không ngủ ở Tà Rùng

Giữa tháng 11/2020, sau khi bão số 13 qua đi, tôi tìm đường vào Tà Rùng. Chiếc xe mô tô đã được nâng cấp phần lốp rồi, nhưng vẫn rất vất vả mới vượt qua được những đoạn đường nhầy nhụa, lầy lội. Đường đi khó nhưng không đáng lo bằng việc di chuyển qua những vị trí sạt lở ở những ngọn núi, quả đồi dọc đường vào Tà Rùng, bởi việc sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngay bên tỉnh lộ, cạnh một ngọn núi bị sạt nặng từ đỉnh xuống chân, tôi gặp gia đình Hồ Văn Khăm (SN 1950, trú tại thôn Tà Rùng) ngồi co ro trong ngôi nhà đã bị sạt lở xé đi hơn một nửa. “Gần 1 tháng nay đi xin nhà khác ở, chừ về lại nhà để dọn dẹp, nhưng không dám ngủ lại” – ông Khăm, cho hay. Mấy que củi bị ngấm nước mưa được ông Khăm cho vào bếp khiến khói um lên khiến mắt mọi người cay xè. Trên bếp, ông Khăm bắc chiếc nồi méo mó nấu cơm, đây là tài sản hiếm hoi còn lại sau trận sạt lở. Hỏi mấy hôm nay ăn uống thế nào, ông Khăm nói ai cho gì ăn nấy, cũng may là chính quyền xã kết nối được nhiều đoàn từ thiện, nên họ hỗ trợ từ mỳ tôm, gạo, nhu yếu phẩm.

Bà Hồ Thị Pươn (SN 1956, vợ ông Khăm) kể, sau khi có nhiều người bị sạt lở vùi lấp ở thôn, vợ chồng ông rất lo lắng. Vào tối 17/10, lãnh đạo xã đi bộ từ ngoài trung tâm vào, do đường bị sạt nên cả đoàn phải đi men theo sườn núi. Họ nói cần di tản ngay, vì ở trên núi có vết nứt, nguy cơ sạt cao. “Lúc đó chỉ biết khép cửa lại, cả 5 người trong nhà mang áo mưa đi đến nhà người thân ở vị trí bằng phẳng để xin ngủ nhờ. Sáng hôm sau trở về, hơn nửa ngôi nhà đã biến mất. Nhà ở dưới chân núi thì bị cuốn mất, phía trên núi, ông Khăm trồng cây bồ quân, cam, bưởi và sắn, thì bây giờ bị trôi xuống ở ngay vị trí mống nhà. Ở nhờ nhà người thân gần cả tháng ai cũng ngại, nên có hôm ông Khăm đi về nhà cũ để ngủ lại. Nửa đêm mưa, ông giật nảy mình chạy lao ra khỏi nhà vì mơ đất đá phía núi lại đổ sụp xuống nửa ngôi nhà còn lại…

Ở thôn Tà Rùng, không riêng gì gia đình ông Khăm thấp thỏm, mà nhiều ngôi nhà khác cũng đang rơi vào cảnh ở không được, đi không xong. Như ông Hồ Văn Hai (SN 1963) cả tháng nay phải dựng cái lán tạm cạnh nhà người thân để nấu ăn, trú ẩn. Ông Hai có nhà xây khá kiên cố, nhưng sạt lở tống cả mớ đất xuống phá vỡ tường nhà. May lúc đó cả gia đình ông đã di dời, nếu không sẽ gặp chuyện. Không còn nhà để ở, đến mảnh ruộng mà ông Hai vừa đầu tư 35 triệu để san ủi, lúa trồng vụ đầu chưa kịp thu hoạch thì nay bị bồi lấp hết. “Bây giờ nhà không có, ruộng vườn không có, đất đai cũng không luôn. Không biết ở đâu, làm gì để sinh sống” – ông Hai, thở dài.

Bao giờ có nơi ở an toàn

Sau khi nhà bị sạt lở vùi lấp khiến 1 người con thiệt mạng, gia đình Hồ Văn La Hâm không dám trở về nhà nữa mà sang ở tạm nhà bố mẹ. Cả nhà chen chúc trong ngôi nhà nhỏ không đành, nên La Hâm nhờ thanh niên ở bản làm ngôi nhà tạm cũng ngay bên tỉnh lộ, nhưng không gần đồi núi. Tuy nhiên, ngay sau lưng ngôi nhà tạm là đường dây điện ở rất gần, biết cũng nguy hiểm nhưng La Hâm chấp nhận, vì cần có chỗ trú thân. “Bây giờ chỉ mơ ước Nhà nước tạo điều kiện cho miếng đất để dựng nhà ở nơi không bị sạt lở thôi. Còn khó khăn thiếu thốn gì tính sau” – La Hâm, mơ ước.

Ở xã Húc, địa hình chủ yếu toàn đồi núi. Nhà dân thì ở dưới chân, còn nương rẫy thì trên sườn núi. Dù đất đai có, nhưng không có nhiều nơi an toàn để dựng nhà. Ông Hồ Văn Ka Rai – Chủ tịch UBND xã Húc cho hay, hiện ở xã này có 153 hộ với 762 nhân khẩu ở nơi có nguy cơ bị sạt lở đất. Trong đó, các hộ dân ở Tà Rùng thuộc diện cần di dời khẩn cấp, vì khả năng tái diễn thảm họa lở núi vùi lấp các ngôi nhà là điều dễ xảy ra. Dù biết chưa được di dời sẽ đối diện với nguy hiểm, nhưng do mưa lũ cứ gối đầu, nên địa phương chưa tìm được địa điểm thích hợp và có nguồn vốn để hỗ trợ tái định cư cho người dân.

Ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị nói, không riêng gì ở Tà Rùng, mà tại nhiều xã ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông có rất nhiều gia đình cần được bố trí tái định cư khẩn cấp để họ ổn định cuộc sống. Hiện đơn vị này đang phối hợp với các địa phương gấp rút tìm kiếm địa điểm thích hợp để bố trí tái định cư khẩn cấp cho những trường hợp đang ở trong vùng nguy hiểm của sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. “Trước mắt, thì sẽ cố gắng xử lý cho những trường hợp cấp bách trước. Còn những hộ chưa nguy hiểm lắm thì sẽ được rà soát và có sự thống nhất từ tỉnh đến huyện để làm bài bản” – ông Hòe, cho hay.

Đợt mưa lũ diễn ra trong tháng 10/2020, tại tỉnh Quảng Trị có hơn 50 người thiệt mạng. Trong đó, 32 người thiệt mạng do sạt lở đất tại huyện miền núi Hướng Hóa. Hiện, hàng nghìn người vẫn đang sống thấp thỏm cạnh những địa điểm sạt lở có nguy cơ tái diễn thảm họa, nhưng vẫn chưa được di dời.

RELATED ARTICLES